MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đưa bệnh nhân lên xe cứu thương ở bệnh viện Brooklyn, New York. Ảnh: Reuters

Lý do khiến Mỹ có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới

Ngọc Vân LDO | 30/03/2020 07:38
Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng Mỹ hiện vẫn chưa đạt đỉnh dịch, và có một số lý do khiến Mỹ đứng đầu thế giới về số ca COVID-19.

Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới, với hơn 123.000 ca, trong đó có hơn 2.200 ca tử vong, tính đến ngày 29.3.

AFP dẫn nhận định của các chuyên gia y tế công cộng nói rằng Mỹ hiện vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm của dịch bệnh, và có một số lý do khiến COVID-19 bùng phát nhanh tại Mỹ.

Xét nghiệm

Ngay từ đầu khi COVID-19 bùng phát, những người đứng đầu Chính phủ Mỹ bị cho là coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, tuyên bố virus sẽ không lây lan trong cộng đồng, ngay cả sau khi một quan chức y tế cấp cao bác bỏ ý kiến này. Công bố này dẫn đến việc người dân Mỹ chủ quan trong quá trình thực hiện những biện pháp cần thiết phòng chống bệnh. 

Khi những ca nhiễm đầu tiên được chẩn đoán tại các bang ở phía tây Washington và California, chính phủ Mỹ đã không thực hiện những biện pháp theo dõi cũng như cách ly cần thiết.

Ban đầu, chính phủ từ chối nới lỏng rào cản pháp lý, từ chối cấp phép cho các sở y tế tiểu bang cũng như địa phương phát triển phương pháp xét nghiệm của riêng họ dựa trên các hướng dẫn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp, và tất cả các mẫu thử ban đầu đều được gửi tới trụ sở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ở Atlanta. 

Sau đó, những bộ kit thử được CDC gửi cho các bang lại bị lỗi, dẫn đến sự chậm trễ không đáng có.

Mãi đến ngày 29.2, ngày đầu tiên Mỹ xác nhận ca tử vong đầu tiên, tức là hơn 1 tháng sau khi ca nhiễm đầu tiên được xác nhận, chính phủ mới dỡ bỏ lệnh cấm. Lệnh cấm đối với các khu vực tư nhân cũng được dỡ bỏ một thời gian sau đó.

"Nếu chúng ta thực hiện những biện pháp theo dõi sớm hơn, chúng ta đã có thể xác nhận các ca nhiễm khác cũng như phong toả khu vực lây nhiễm một cách nhanh chóng hơn" - AFP dẫn lời bác sĩ Gabor Kelen, Đại học Johns Hopkins cho biết.

Không có phản ứng toàn quốc

Bang New York, tâm dịch COVID-19 ở Mỹ - chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm. Tiếp đến là các bang lân cận như New Jersey, California, Washington, Michigan và Illinois.

Bác sĩ Thomas Tsai, bác sĩ phẫu thuật kiêm giáo sư chính sách y tế tại Harvard khuyến cáo người dân tại các tiểu bang hoặc khu vực chưa có số ca nhiễm cao không nên chủ quan.

"Tôi nghĩ điều ta cần nhất hiện giờ là một nỗ lực thực sự từ phía chính phủ" - Tsai nói, đồng thời cảnh báo rằng việc tiếp tục những biện pháp chắp vá hiện thời đối với người dân sẽ dẫn đến việc những bang khác chịu chung số phận như New York.

Cho đến chiều 27.3, 61% trong tổng số 330 triệu dân Mỹ được kêu gọi cách ly phong toả, đồng nghĩa với việc 39% dân số còn lại chưa được công bố những biện pháp cần thiết.

Tình hình hiện tại 

Hy vọng hiện tại cho Mỹ là tỉ lệ tử vong vẫn còn thấp - 1,5% so với 7,7% tại Tây Ban nha và 10% ở Italia.

Liệu xu hướng này còn tiếp tục? Hiện tại vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng từ các chuyên gia.

"Tỉ lệ tử vong thấp không có nghĩa là chúng ta chủ quan đối với tình hình dịch" - David Fisman, một nhà dịch tễ học tại Đại học Toronto cho biết.

"Tôi nghĩ tình hình dịch bệnh sẽ còn chuyển theo chiều hướng xấu đi. Phỏng đoán hiện tại của tôi là Mỹ đang trên bờ vực bùng phát dịch một cách thảm khốc”. 

Các chuyên gia đồng ý rằng những biện pháp cách ly hiện thời là cần thiết để thúc đẩy quá trình làm chậm tốc độ lây nhiễm, tránh trường hợp các bệnh viện bị quá tải như ở New York. 

Các nhà dự báo tại Đại học Y Washington tin rằng đỉnh dịch có thể xảy ra vào giữa tháng Tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn