MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khung cảnh lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Lý do lăng mộ Tần Thủy Hoàng chưa từng được mở ra

Thanh Hà LDO | 25/06/2024 09:34

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng - hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc - cho tới nay vẫn chưa được mở ra. Các nhà khảo cổ lo ngại lăng mộ 2.200 năm tuổi có chứa bẫy nguy hiểm.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng - vị hoàng đế cổ đại trị vì từ năm 221 đến 210 trước Công nguyên, nằm ở quận Lâm Đồng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

Lăng mộ có đội quân đất nung nổi tiếng - những bức tượng có kích thước như người thật được tạo ra để bảo vệ Tần Thủy Hoàng ở thế giới bên kia.

Dù quần thể lăng mộ đã được khai quật và phục dựng nhưng riêng mộ của Tần Thủy Hoàng vẫn chưa được mở ra vì lo ngại bài bố bên trong.

Tư Mã Thiên - nhà sử học cổ đại Trung Quốc - đã viết trong cuốn sử ký khoảng một thế kỷ sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, trong đó mô tả về sự hiện diện tiềm tàng của các bẫy bên trong lăng mộ.

Bản tin đăng trên IFL Science chỉ ra, trong cuốn sử ký, Tư Mã Thiên viết rằng, những người thợ thủ công đã được hướng dẫn để tạo ra nỏ, mũi tên sẵn sàng nhắm thẳng vào những kẻ xâm nhập lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Ngoài ra, trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng cũng được cho là có chứa thủy ngân để tạo hình những con sông mô phỏng, bao gồm cả sông Dương Tử và sông Hoàng Hà. Thủy ngân cũng được cho là dùng để mô tả những vùng biển rộng lớn và trong lăng mộ có những cơ chế để tạo ra hiệu ứng dòng chảy thủy ngân.

Đội quân đất nung được tạo ra để bảo vệ lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Xinhua

Theo nghiên cứu thực hiện năm 2020, nồng độ thủy ngân ở khu vực xung quanh lăng mộ Tần Thủy Hoàng cao hơn đáng kể so với dự đoán. Điều này đặt ra câu hỏi về tính xác thực của những mô tả trong các văn bản cổ xưa.

“Thủy ngân dễ bay hơi có thể đã thấm qua các vết nứt phát triển theo thời gian trong cấu trúc mộ cổ, chứng thực cho những ghi chép trong biên niên sử cổ xưa rằng, lăng mộ chưa bao giờ bị mở hoặc bị cướp phá” - nghiên cứu nêu rõ.

Bên cạnh đó, việc khai quật phục vụ mục đích khảo cổ có thể gây hại cho lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Đây là một lý do khác để không khai quật lăng mộ bởi các nhà khoa học không muốn mất đi những dữ liệu lịch sử vô giá.

Hiện nay, phương tiện duy nhất để tìm hiểu về bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng là sử dụng các kỹ thuật khảo cổ xâm lấn, dẫn tới nguy cơ gây ra những thiệt hại không thể khắc phục.

Ví dụ điển hình cho việc này là cuộc khai quật thành phố Troy vào những năm 1970, do Heinrich Schliemann chỉ đạo. Sự vội vàng và thiếu kinh nghiệm khiến gần như toàn bộ dấu vết của thành phố Troy đã biến mất.

Các nhà khảo cổ học thời nay quyết tâm tránh lặp lại những sai lầm mang tính hủy diệt như vậy, theo Jerusalem Post.

Trong nỗ lực tìm kiếm các phương thức khám phá khảo cổ ít xâm lấn hơn, các nhà khoa học đã đưa ra ý tưởng như sử dụng kỹ thuật quét Muon.

Về cơ bản, Muon hoạt động giống như tia X tiên tiến, cho phép các nhà nghiên cứu nhìn vào bên trong các cấu trúc như lăng mộ Tần Thủy Hoàng mà không gây ảnh hưởng tới cấu trúc. Tuy nhiên, theo Jerusalem Post, hầu hết những đề xuất về phương thức này vẫn chưa được chấp nhận hoặc triển khai rộng rãi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn