MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đeo khẩu trang ở Rome, Italia. Ảnh: AAP

Lý do người dân phương Tây ít đeo khẩu trang phòng ngừa COVID-19

Ngọc Vân LDO | 15/03/2020 16:16

Việc đeo khẩu trang phòng ngừa COVID-19 ở phương Tây và Châu Á khác nhau có thể do yếu tố văn hoá.

Đeo khẩu trang: Chuyện bình thường ở Châu Á

Hoảng sợ về sự lan rộng toàn cầu của COVID-19 khiến khẩu trang được bán sạch trên toàn thế giới, nhưng việc đeo khẩu trang khi nào và ở đâu lại khác nhau giữa các nước phương Đông và phương Tây.

Ở Đông Á, nơi những ký ức về dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) bùng phát 17 năm trước vẫn còn hiển hiện, thì việc đeo khẩu trang khi ra ngoài đã trở thành thông lệ.

Nhiều người coi đây là trách nhiệm chung trong việc giảm lây lan đại dịch COVID-19, vốn đã khiến hơn 156.000 người nhiễm ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 5.800 ca tử vong.

Một số cửa hàng treo biển cấm khách hàng không đeo khẩu trang, trong khi chính quyền ở các thành phố lớn ở Trung Quốc - bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải - bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Khẩu trang phổ biến ở Đông Á, không chỉ để đối phó với dịch COVID-19, mà còn để phòng ngừa ô nhiễm không khí và thậm chí chống lại thời tiết lạnh. 

Chẳng hạn Nhật Bản có lịch sử lâu dài về việc đeo khẩu trang từ thời dịch cúm Tây Ban Nha 1918-19. Đeo khẩu trang đã trở thành điều bình thường trong xã hội, như một hành động tự bảo vệ mình và là một phần trong trách nhiệm tập thể đối với mọi người.

“Tại Nhật Bản, khẩu trang trở thành một phương pháp (phòng ngừa) rất phổ biến chống lại bệnh cúm. Vào những năm 70 và 80, mọi người bắt đầu sử dụng chúng để phòng ngừa viêm mũi dị ứng” - ông Mitsutoshi Horii, giáo sư tại Đại học Shumei, người đã nghiên cứu việc đeo khẩu trang ở Nhật Bản, cho biết. “Gần đây, người dân Nhật Bản còn đeo khẩu trang vì sợ ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm” - ông Horii nói.

Khác biệt văn hoá ở phương Tây

Người dân Hàn Quốc đeo khẩu trang. Ảnh: Bloomberg

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết những người khỏe mạnh thường không cần phải đeo khẩu trang.

Bác sĩ phẫu thuật Mỹ Jerome Adams, phát ngôn viên chính phủ liên bang về sức khỏe cộng đồng, viết trên Twitter kêu gọi người Mỹ ngừng mua khẩu trang, vì khẩu trang nên để dành cho các nhân viên y tế chăm sóc những người bị nhiễm SARS-CoV-2.

Các chuyên gia y tế có nhiều quan điểm trái chiều về hiệu quả của khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona, được cho là lây truyền qua các giọt bắn hô hấp khi ho hoặc hắt hơi. Một số khác tranh luận rửa tay là quan trọng hơn, trong khi số khác nói khẩu trang có thể giúp ngăn chặn lây truyền từ những người không có triệu chứng.

Nhưng cho dù ý kiến ​​về hiệu quả là gì, các chuyên gia cho rằng bối cảnh văn hóa đóng vai trò chính trong việc mọi người có sẵn sàng đeo khẩu trang hay không.

Người dân Tokyo đeo khẩu trang ở ngã tư Shibuya. Ảnh: Reuters

Ở Bắc Mỹ, đeo khẩu trang thường chỉ có người Châu Á -Harris Ali, một nhà xã hội học tại Đại học York, Canada cho biết.

“Đeo khẩu trang vẫn không được xem là việc bình thường, và do đó không được chấp nhận. Trong một nền văn hóa tập thể hơn, việc đeo khẩu trang có ý nghĩa quan trọng hơn so với thế giới phương Tây” - ông Ali cho hay.

Gwyneth Paltrow đăng ảnh selfie đeo khẩu trang trên Twitter.

Mới đây, các ngôi sao phương Tây bao gồm Bella Hadid, Kate Hudson và Gwyneth Paltrow đã đăng ảnh selfie đeo khẩu trang trên phương tiện truyền thông xã hội trong đợt bùng phát dịch COVID-19.

Nhà thiết kế người Croatia Zoran Aragovic cho ra mắt bộ sưu tập khẩu trang “vui nhộn” hồi đầu tháng này và 220 cặp đôi đeo khẩu trang đã tham gia một đám cưới tập thể ở thành phố Bacolod, Philippines vào tháng 2.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn