MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lý giải giật mình về bí ẩn hồ nước trên sao Hỏa

Thanh Hà LDO | 30/07/2021 07:24
Hồ nước sao Hỏa ở dưới bề mặt các vùng cực của hành tinh này có thể là đất sét.

Một nghiên cứu mới về sao Hỏa xác định, các phản xạ ánh sáng mà radar phát hiện dưới cực nam sao Hỏa có thể không phải các hồ nước ngầm như nhận định trước đây mà thực tế là các mỏ đất sét.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã nghi ngờ nước ẩn dưới các chỏm băng ở 2 cực của sao Hỏa, giống như trên Trái đất. Năm 2018, các nhà nghiên cứu dùng thiết bị định vị radar MARSIS trên tàu vũ trụ Mars Express của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã phát hiện bằng chứng về hồ nước ẩn trên sao Hỏa, bên dưới chỏm băng ở cực nam hành tinh. Năm 2020, các nhà khoa học tìm thấy dấu hiệu của hồ nước siêu mặn ở bên dưới cực nam sao Hỏa.

Tàu vũ trụ Mars Express trên quỹ đạo sao Hỏa. Ảnh: NASA

Nếu những hồ nước trên sao Hỏa này là tàn tích của nước trên bề mặt sao Hỏa trước đây thì có thể hồ có chứa đựng sự sống và có thể vẫn còn sự sống, các nhà khoa học lưu ý.

Tuy nhiên, để hình thành và duy trì nước lỏng tại điểm này trên sao Hỏa, có thể cần một lượng nhiệt và muối nhiều ở mức hoang đường dựa trên những gì đã biết về hành tinh đỏ, Isaac Smith - tác giả chính của nghiên cứu mới về hồ trên sao Hỏa lưu ý. Isaac Smith là nhà khoa học hành tinh tại Đại học York ở Toronto, Canada.

Nhóm nghiên cứu của Smith nói rằng, các khoáng chất đất sét vốn được xác định là tồn tại ở vùng cực nam sao Hỏa có thể giải thích cho những phản xạ radar này mà không liên quan gì tới việc có hồ nước trên sao Hỏa.

“Trong cộng đồng sao Hỏa, đã có những hoài nghi về cách diễn giải hồ nước nhưng không ai đưa ra một giải pháp thay thế thực sự hợp lý. Vì vậy, thật thú vị khi có thể chứng minh rằng một thứ khác có thể giải thích các quan sát radar và chứng minh rằng vật liệu hiện diện ở nơi nó cần. Tôi thích giải các câu đố và sao Hỏa có vô số câu đố" - nhà khoa học hành tinh Smith chia sẻ với Space.com.

Các nhà khoa học tập trung vào các khoáng chất được gọi là smectit, loại đất sét có thành phần hóa học gần với đá núi lửa hơn các loại đất sét khác. Smectit hình thành khi đá núi lửa bị bào mòn trải qua những thay đổi hóa học nhẹ sau khi tương tác với nước. Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng những lớp đất sét này có thể chứa một lượng nước lớn.

Nước trên sao Hỏa cách đây khoảng 4 tỉ năm. Ảnh: NASA

Trên sao Hỏa có rất nhiều smectit, tập trung chủ yếu ở các vùng cao phía nam hành tinh. Trên Trái đất, khoáng chất sét này thường có gần các núi lửa ở Alaska hoặc Trung Mỹ, nhưng có thể được tìm thấy ở mọi lục địa.

Trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã làm lạnh smectit tới âm 43 độ C, ngưỡng lạnh có thể xảy ra trên sao Hỏa. Nhóm phát hiện ra, ngay cả khi trộn lẫn với các vật liệu khác, smectit chứa đầy nước có thể tạo ra loại phản xạ radar sáng mà MARSIS định vị được.

Khi phân tích dữ liệu thu thập được từ cực nam sao Hỏa, Smith và các đồng nghiệp cũng tìm thấy bằng chứng về smectit ở đây. Theo giới chuyên môn, smectit hình thành ở cực nam sao Hỏa trong thời kỳ ấm áp, khi khu vực này có nước bao phủ. Những mảng đất sét chứa nước sau đó đã bị chôn vùi dưới lớp băng nước.

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu cho rằng smectit là lời giải thích khả thi hơn cho các phản xạ radar sáng ở cực của sao Hỏa, thay vì các hồ siêu mặn.

Phát hiện mới lý giải hồ nước dưới bề mặt sao Hỏa của nhóm nghiên cứu đã trình bày chi tiết trên tạp chí Geophysical Review Letters ngày 29.7.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn