MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoa tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố ở nhà hát Crocus City Hall. Ảnh: TASS

Lý giải những đêm nhạc trở thành thảm kịch trong các vụ khủng bố

Thùy Trang LDO | 24/03/2024 16:15

Các vụ khủng bố thường xảy ra những nơi công cộng, có đông người tập trung như những buổi hòa nhạc, lễ hội.

Những ngày qua, thông tin về vụ khủng bố ở Nga gây chấn động thế giới.

Ngày 24.3, theo hãng tin Reuters, chi nhánh IS ở Afghanistan - còn gọi là nhóm Nhà nước Hồi giáo - Khorasan (ISKP) - đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhà hát Crocus City Hall ở Nga tối 22.3

Vào tối 22.3, một nhóm các tay súng đã nổ súng về phía những người đến xem ban nhạc rock tên Piknik biểu diễn tại nhà hát Crocus City Hall. Ít nhất 133 người thiệt mạng và hơn 140 người bị thương sau vụ tấn công kinh hoàng.

Reuters dẫn lời người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Adrienne Watson cho hay, âm mưu tấn công "nhiều khả năng nhằm vào những sự kiện đông đúc người tham gia, bao gồm các buổi biểu diễn âm nhạc".

Cuộc tấn công biến ban nhạc Piknik vô tình trở thành tâm điểm của bi kịch. Piknik đã đóng góp cho nền nhạc rock của Nga suốt 4 thập kỷ.

Ilya Kukulin, một nhà sử học văn hóa tại Đại học Amherst ở Massachusetts, gọi Piknik là một trong những “quái vật nhạc rock” của Nga kể từ khi phát hành album đầu tay năm 1982.

Sau vụ tấn công, Piknik nhắn nhủ người hâm mộ: “Chúng tôi vô cùng bàng hoàng trước thảm kịch khủng khiếp này và xin cùng chia buồn với các bạn”.

Trước đây, Nga đã từng hứng chịu hàng loạt các vụ tấn công khủng bố chết chóc nhằm vào các nhà hát, đêm diễn ca nhạc, các tụ điểm giải trí.

Theo The Moscow Times, ngày 23.10.2002, một nhóm người gồm 21 nam, 19 nữ thuộc phiến quân Chechnya xông vào nhà hát Dubrovka (Mátxcơva, Nga), trong một buổi biểu diễn nhạc kịch và bắt hơn 800 người làm con tin. Cuộc giằng co đối đầu với lực lượng an ninh kéo dài hai ngày ba đêm. Tổng cộng có 130 con tin tử vong.

Vào ngày 5.7.2003, vụ đánh bom khủng bố tại buổi hòa nhạc rock ở sân bay Tushino gần Mátxcơva, khiến 15 người thiệt mạng và 50 người khác bị thương. Khoảng 20.000 người hâm mộ đã tập trung về đây để tham dự lễ hội âm nhạc Krylya (Wings) nổi tiếng.

Hình ảnh cho thấy, trung tâm thương mại Crocus City Hall bốc cháy dữ dội trong vụ tấn công khủng bố ở Nga hôm 22.3. Ảnh: IT

Tờ New York Times cho biết, đã có rất nhiều đêm diễn, concert của nghệ sĩ phải hoãn hoặc hủy bỏ vì đe dọa khủng bố.

Frank Zuccarello, đối tác tại Công ty Tư vấn Rủi ro Đặc biệt, cho biết nhiều đơn vị tổ chức bỏ qua gói bảo hiểm dự phòng khủng bố. Ông nói: “Chúng tôi gọi đó là bảo hiểm dự phòng là có lý do, rất nhiều việc phải được thực hiện trước để đảm bảo an toàn cho các sự kiện. Đặc biệt là trong thời điểm hiện tại, bạn không biết những hình thức khủng bố nào có thể xảy ra".

Cơ sở dữ liệu khủng bố toàn cầu (GTD) từng tổng kết các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các buổi hòa nhạc và lễ hội xảy ra trên khắp thế giới từ năm 1970 đến 2019.

Số liệu được thực hiện dựa trên các yếu tố thời gian, địa điểm, loại mục tiêu, loại tấn công/loại vũ khí, loại kẻ tấn công và số lượng thương vong.

Kết quả, tổng cộng có 146 vụ tấn công khủng bố đã được xác định. Lễ hội còn bao gồm các lễ hội tôn giáo, văn hóa.

Nam Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới với 53 vụ, tiếp theo là Trung Đông và Bắc Phi với 25 vụ. Đánh bom và nổ súng là kiểu tấn công phổ biến nhất. Các cuộc tấn công nhắm vào khán giả tham dự trong những đêm nhạc, tụ điểm giải trí.

Phân tích này của GTD xác định, các cuộc tấn công khủng bố đã và đang là mối đe dọa là rất lớn với các buổi biểu diễn trên khắp thế giới, không chỉ xảy ra ở các nước có xung đột.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn