MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu chiến Mỹ USS Bonhomme Richard bị cháy tháng 7.2020 khi đang sửa chữa ở cảng. Ảnh: Hải quân Mỹ

Ly kỳ vụ cháy chiến hạm 2 tỉ USD của Mỹ: Thất bại ngay từ đầu (P1)

Thanh Hà LDO | 20/10/2021 11:29

Điều tra vụ cháy tàu chiến Mỹ USS Bonhomme Richard vào tháng 7.2020, Hải quân Mỹ kết luận các chỉ huy, thủy thủ đoàn và những người khác đã thất bại nặng nề. Hải quân Mỹ gọi vụ hỏa hoạn lớn kéo dài 5 ngày ở San Diego là không thể phòng tránh được và không thể chấp nhận được.

36 cá nhân bị xử lý

Loạt vấn đề từ việc thủy thủ cấp thấp không nhận ra đám cháy khi kết thúc nhiệm vụ đến vấn đề trong cách Hải quân Mỹ huấn luyện thủy thủ chữa cháy, là nguyên nhân góp phần dẫn tới vụ cháy tàu chiến USS Bonhomme Richard (LHD-6) kéo dài 5 ngày vào tháng 7.2020. 

Theo USNI News, điều tra về đám cháy trên tàu Bonhomme Richard cho thấy thời gian bảo dưỡng kéo dài 2 năm với chi phí 249 triệu USD khiến thủy thủ đoàn không được chuẩn bị để ứng phó với đám cháy do một thủy thủ gây ra. 

Cuộc điều tra vụ cháy hoàn tất vào tháng 4 năm nay và vừa được hé lộ với truyền thông trong tuần này. “Dù đám cháy bắt đầu bởi một hành động đốt phá, nhưng mất tàu là do không thể dập tắt được ngọn lửa.

Trong 19 tháng bảo trì của tàu, những hỏng hóc lặp đi lặp lại làm tích tụ đáng kể rủi ro và thủy thủ đoàn không được chuẩn bị đầy đủ dẫn tới ứng phó hỏa hoạn không hiệu quả" - báo cáo điều tra do cựu chỉ huy Hạm đội 3 Hải quân Mỹ, Phó đô đốc Scott Conn dẫn đầu, nêu rõ. 

Thủy thủ sơ tán khỏi USS Bonhomme Richard (LHD-6) ngày 12.7.2020. Ảnh: Hải quân Mỹ

Ngoài con tàu, những thất bại trong quá trình huấn luyện và giám sát trong toàn bộ hạm đội - từ Bộ Tư lệnh đặc trách hệ thống hải lực hải quân (NAVSEA), Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Hạm đội Lực lượng Mặt trận Hải quân Thái Bình Dương và một số đơn vị khác - góp phần gây ra tổn thất tàu chiến trị giá 2 tỉ USD. 

Phó đô đốc Conn chỉ ra, 36 cá nhân, gồm 5 đô đốc, chịu trách nhiệm về việc mất con tàu trong vụ cháy ngày 12.7 hoặc chịu trách nhiệm do thiếu giám sát dẫn tới vụ đốt tàu. 

Cuộc điều tra vụ cháy tàu USS Bonhomme Richard cũng mô tả phản ứng tổng thể trong ngày đầu tiên ứng phó với đám cháy là rời rạc, phối hợp kém và khó hiểu. 

Báo cáo điều tra được tiết lộ sau khi Hải quân Mỹ buộc tội Sawyer Mays - thủy thủ tàu USS Bonhomme Richard vì hành động đốt phá vào tháng 7 vừa qua.

Diễn tiến xử lý đám cháy

Theo cuộc điều tra, thủ phạm đốt tàu đã chọn chính xác thời điểm tốt nhất để gây ra thiệt hại tối đa cho tàu USS Bonhomme Richard.

Tàu Bonhomme Richard được mở để sẵn sàng sửa chữa và đang trong trạng thái “đặc biệt dễ bị cháy". Trên tàu có các hệ thống được gắn thẻ để bảo trì; giàn giáo, các dịch vụ tạm thời cùng các thiết bị khác của nhà thầu được treo khắp nơi... 

Sáng Chủ nhật xảy ra vụ cháy tàu USS Bonhomme Richard, có một nhóm nhỏ thủy thủ trên tàu. Sĩ quan cấp cao nhất trên tàu giám sát thời điểm đó lần đầu tiên đảm nhận vai trò trực chỉ huy.

Vị trí tàu chiến Mỹ Bonhomme Richard bị cháy. Ảnh: Hải quân Mỹ

Đám cháy bắt đầu từ khoang Lower V, bao gồm hàng chục bức tường 3 bên chứa đầy thiết bị, trong đó có những tấm ván ép, ống cuộn dây cáp, xà gỗ, bình CO2, 3 phương tiện chạy bằng nhiên liệu...

Tín hiệu đầu tiên về sự cố ngày 12.7.2020 chỉ xuất hiện sau 8h sáng khi một thủy thủ cấp thấp đi qua boong tàu đến máy bán hàng tự động sau ca làm việc. Nữ thủy thủ nhận thấy "sương mù trắng, mờ ảo" ở phía dưới nhưng không báo cáo vì không ngửi thấy khói. Khoảng 115 trong số 138 thủy thủ đổi ca làm nhiệm vụ trên tàu ngày xảy ra vụ cháy chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 1.000 người liên quan tới con tàu. 

Cũng trong khoảng thời gian đó, một thủy thủ khác dừng lại ở một cánh cửa thuộc khu Upper V để trò chuyện với lính gác và “nhìn thấy khói trắng bốc lên từ đoạn dốc Lower V lên Upper V". Một trong 2 thủy thủ đã chạy đi thông báo với sĩ quan trực. 

Khoảng 8h15 sáng, một sĩ quan trực kỹ thuật tình cờ gặp một nhà thầu dân sự và nghe phàn nàn về khói nên đã đi điều tra và gặp một thủy thủ khác cũng đang làm nhiệm vụ tương tự.

Theo USNI News, các nhà điều tra nhận thấy thông tin không nhất quán từ các thủy thủ đoàn về việc điều tra sau báo cáo về khói và hệ thống báo cháy cũng như lý do báo cáo về đám cháy qua hệ thống liên lạc nội bộ của tàu - 1MC - bị chậm trễ. 

Cuộc gọi 1MC đầu tiên là do sĩ quan chỉ huy trực (CDO) đang ở phòng nghỉ và biết được vụ cháy, thực hiện. Chỉ huy này đã tới nhà chứa máy bay, nơi thủy thủ đoàn triển khai các nỗ lực kiểm soát ban đầu, vào khoảng 8h24. CDO nhắn tin cho chỉ huy tàu và sĩ quan điều hành tàu, cả 2 đều đang ở nhà, về việc có khói trên tàu.

Chỉ huy tàu Bonhomme Richard, Đại úy Gregory Thoroman, nhận được tin nhắn và cuộc gọi về đám khói lúc 8h32 và lái xe đến căn cứ.

Từ 8h22, tiếng chuông báo cháy của tàu có thể nghe được rõ từ một bãi đỗ xe gần đó. Vài phút sau, thủy thủ đoàn tàu khu trục USS Russell (DDG-59) và USS Fitzgerald (DDG-62) cũng đang đậu ở cầu tàu số 1 báo cáo có khói đen bốc ra từ Bonhomme Richard.

Đến 8h25 sáng, vụ cháy tàu chiến Mỹ đã được đưa tin trên kênh radio Harbour Defense Net. 

Theo điều tra viên chính, trong những phút đầu tiên khi vụ cháy xảy ra, các thủ thủy không có điện đàm nên sử dụng điện thoại di động riêng để liên lạc.

Các đội dập lửa cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các trạm cứu hỏa có thể sử dụng được trên tàu Bonhomme Richard. Trên thực tế, 187/216 trạm cứu hỏa trên tàu chiến của Hải quân Mỹ - tức 87,5% - trong tình trạng thiết bị không hoạt động tại thời điểm xảy ra hỏa hoạn. 

Đón đọc phần 2: Ly kỳ vụ cháy chiến hạm 2 tỉ USD của Mỹ: Sự bối rối của thủy thủ 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn