MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mã QR trong kiểm soát dịch COVID-19 trên thế giới

Thanh Hà LDO | 16/09/2021 06:00

Mã QR trở thành công cụ hữu dụng vừa nhanh chóng vừa an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến vô số hoạt động bị đình đốn. Hầu như tất cả camera trên điện thoại thông minh hiện đại đều có thể nhận ra mã QR và sử dụng được trên toàn cầu. 

Lợi ích của mã QR

Mã QR hay Quick Response Code do một kỹ sư Nhật Bản phát minh năm 1994 và ban đầu dùng để theo dõi các linh kiện trong chuỗi cung ứng ôtô. Ngày nay, việc sử dụng mã QR trở nên quen thuộc trong thanh toán, đăng nhập trang web, kết nối wifi, mua sắm trực tuyến... 

Mã QR càng có nhiều tiềm năng hơn khi trở thành một công cụ thiết yếu và được hoan nghênh nhất là trong hoạt động đi lại quốc tế khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Khi sức khỏe và sự an toàn được đặt lên hàng đầu, khả năng không tiếp xúc của mã QR mang lại lợi ích rõ ràng cho tất cả các bên tương tác trong môi trường công cộng. Với việc quét mã nhanh chóng, người dùng giảm được thời gian xếp hàng ở nhiều khâu, qua đó giúp giãn cách xã hội áp dụng dễ dàng. Ngay cả trong trường hợp cần sự tương tác của con người, mã QR có thể giúp đẩy nhanh quá trình.

Kinh nghiệm triển khai

Theo The Guardian, hộ chiếu COVID-19 lần đầu được giới thiệu ở Israel và có nhiều tên khác nhau tùy từng quốc gia như: Thẻ sức khỏe, thẻ xanh, vé an toàn và giấy thông hành Corona. Về cơ bản, đây là tài liệu dạng giấy hoặc kỹ thuật số - thường là một ứng dụng điện thoại - mang mã QR cung cấp bằng chứng cho thấy cá nhân đã tiêm chủng đầy đủ ngừa COVID-19, đã khỏi bệnh sau khi nhiễm virus hoặc đã xét nghiệm cho kết quả âm tính. 

Trong phạm vi EU, một số quốc gia phát triển thẻ COVID-19 riêng tương thích với chứng nhận COVID-19 kỹ thuật số EUDCC của Châu Âu. Một số quốc gia chỉ đơn giản là áp dụng EUDCC cho đi lại trong nước. Áo, Bỉ, Cyprus, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Italia, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Slovenia là một trong số các quốc gia EU đã giới thiệu một số hình thức giấy thông hành COVID-19. Những nước khác như Thụy Điển chấp thuận dùng EUDCC cho đi lại trong nước và trong khối. 

Từ tháng 8, Pháp bắt đầu yêu cầu sử dụng thẻ sức khỏe kỹ thuật số dựa trên mã QR để vào các nhà hàng, quán bar và các địa điểm nổi tiếng như tháp Eiffel và bảo tàng Louvre. Mã này nhằm chứng minh một người đã được tiêm chủng COVID-19 đầy đủ hoặc xét nghiệm âm tính với virus trong 72 giờ trước đó. Các cơ sở của Pháp hiện yêu cầu thẻ sức khỏe kỹ thuật số với cá nhân từ 18 tuổi trở lên và dự kiến mở rộng từ 12 tuổi trở lên vào cuối tháng 9.

Tại Mỹ, New York, California và Louisiana đều áp dụng các hình thức thẻ chứng nhận tiêm chủng khác nhau. Mới đây nhất, trong tháng 9, bang Hawaii ra mắt Thẻ Sức khỏe Kỹ thuật số để giúp người dùng chứng minh tình trạng tiêm chủng COVID-19. Người dùng có thể dễ dàng thiết lập qua tạo một tài khoản, chụp ảnh chứng nhận tiêm chủng và nhập một số thông tin qua ứng dụng Safe Travels của tiểu bang. Sau khi hệ thống xác minh, người dùng nhận được mã QR có thể dùng làm vé vào cửa của các địa điểm ở Hawaii. 

Hộ chiếu vaccine kỹ thuật số mới của Australia là Digital Passenger Declaration (DPD) vừa chính thức được giao cho Accenture thiết kế. Về mặt chức năng PDP sẽ liên kết với giấy chứng nhận tiêm chủng mã QR và nắm bắt những thông tin cần thiết lên đến 72 giờ trước khi một người lên máy bay. Theo Bộ trưởng Du lịch Australia Dan Tehan, chính phủ nước này đang làm việc để phát triển mã QR với Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) để các chứng nhận vaccine sẽ được quốc tế công nhận.

Tại Canada, các tiểu bang như British Columbia, Manitoba, Ontario và Quebec đều áp dụng mã QR trong quản lý việc chứng nhận tiêm chủng. Mới đây nhất, vùng Nunavik của tiểu bang Quebec đã áp dụng phương pháp này. Hệ thống hộ chiếu vaccine được triển khai thông qua ứng dụng VaxiCode, sẵn có để tải xuống trên các thiết bị của Apple và trên Android. Hệ thống hiển thị mã QR có thể quét được mà giới chức cung cấp cho những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19. Người dân cũng có thể in mã QR từ trang web của chính phủ để mang theo.

Tại Trung Quốc, dựa vào công nghệ di động và dữ liệu lớn, chính phủ dùng hệ thống "mã sức khỏe" dựa trên màu sắc để kiểm soát di chuyển của người dân và hạn chế lây lan COVID-19. Các mã QR cho mỗi công dân như một chỉ báo về tình trạng sức khỏe. Trung Quốc đã tranh thủ các ứng dụng điện thoại thông minh Alipay và Wechat của Alibaba và Tencent để triển khai. Công dân phải điền thông tin cá nhân gồm tên, số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu và số điện thoại, sau đó khai báo lịch sử đi lại và lịch sử tiếp xúc trong 14 ngày trước cùng các triệu chứng sức khỏe hiện tại. Sau khi cơ quan chức năng xác minh thông tin, người dùng được cấp một mã QR có màu đỏ, hổ phách hoặc xanh. Màu đỏ phải đi cách ly hoặc tự cách ly trong 14 ngày, màu hổ phách cách ly trong 7 ngày trong khi xanh được tự do di chuyển.

Từ 17.5.2021 Singapore áp dụng đồng bộ triển khai ứng dụng hoặc thiết bị chuyên biệt (token) TraceTogether ở các địa điểm có lượng truy cập cao như trung tâm thương mại, nơi làm việc hoặc địa điểm tôn giáo. Người dùng có thể thông qua ứng dụng TraceTogether để quét mã QR của địa điểm, hiển thị mã thông báo của cá nhân cho nhân viên địa điểm quét hoặc đưa ứng dụng/token tới kết nối với thiết bị SafeEntry Gateway.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn