MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mãn nhãn ảnh núi lửa ảo diệu của các hành tinh trong hệ mặt trời

Thanh Hà LDO | 02/05/2021 13:06
Núi lửa phun trào là cửa sổ để hiểu các hoạt động bên trong và cả nguồn gốc của các hành tinh trong hệ mặt trời cũng như các mặt trăng của những hành tinh đó.

Núi lửa trên Trái đất rất đáng chú ý nhưng Trái đất không phải là hành tinh duy nhất trong hệ mặt trời có núi lửa phun trào.

Từ mặt trăng Io (vệ tinh tự nhiên nằm phía trong cùng trong số bốn vệ tinh Galileo của Sao Mộc) - nơi có nhiều núi lửa nhất trong hệ mặt trời, đến Olympus Mons trên sao Hỏa, nhiều ngọn núi lửa lạ thường đang hiện diện trong vũ trụ.

Doom Mons, được đặt theo tên Núi Doom của phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn“, là điểm cao nhất của một dãy núi ở nam bán cầu trên mặt trăng Titan. Titan là vệ tinh được phát hiện đầu tiên của sao Thổ, cấu tạo chủ yếu gồm các băng nước và đá. Ảnh: NASA.
Mặt trăng Io của sao Mộc có hơn 400 núi lửa đang hoạt động, khiến Io trở thành thế giới địa chất hung bạo nhất trong hệ mặt trời. Loki là ngọn núi lửa phun nhiều tia nhất của mặt trăng Io của sao Mộc. Đây là một hồ núi lửa rộng 200 km phun trào đều đặn - khoảng 540 ngày Trái đất phun trào một lần. Những vụ phun trào của núi lửa Loki phóng ra các dòng tia cao tới 400 km mang theo lưu huỳnh và lưu huỳnh đioxit ra khu vực xung quanh. Ảnh: NASA.
Marius Hills trên mặt trăng của Trái đất là một tập hợp các vòm núi lửa cao tới 500 m. Theo SCIENCE, núi lửa tạo ra Marius Hills đã biến mất từ ​​lâu nhưng vẫn có những nơi trên bề mặt mặt trăng hoạt động núi lửa có thể đã xảy ra trong vài trăm triệu năm qua. Ảnh: NASA.
Là ngọn núi lửa lớn nhất trong hệ mặt trời, Olympus Mons của sao Hỏa trải dài trên diện tích ngang bằng với bang Arizona của Mỹ. Núi lửa trên sao Hỏa này có dòng dung nham trẻ nhất trên sườn phía tây bắc với tuổi đời khoảng 2 triệu năm. Ảnh: NASA.
Trong ảnh là núi lửa cao nhất trên bề mặt sao Kim, Maat Mons. Theo các nhà nghiên cứu, Maat Mons và các núi lửa khác tương tự chắc chắn đã để lại dấu ấn khắp bề mặt sao Kim khi các dòng dung nham ở đây trung bình chỉ có 750 triệu năm tuổi. Ảnh: NASA.
Núi lửa ở phía xa hơn trong hệ mặt trời có thể có những hình dạng kỳ lạ không thấy ở bất kỳ đâu trên Trái đất, kể cả những khu vực vĩ độ lạnh. Năm 2012, kính thiên văn Hubble phát hiện ra những chùm hơi nước từ cực nam của mặt trăng Europa của sao Mộc. Sau đó, những chùm hơi nước này liên kết với các mái vòm tròn trên bề mặt vốn được cho là đang phun trào các mạch phun nhiệt độ siêu thấp (cryogeyser). Hình ảnh từ Hubble cho thấy chùm này có thể cao 200 km. Ảnh: NASA.
Theo Space.com, rất ít núi lửa trên các hành tinh gây ra sự kinh ngạc, phấn khích và cả kinh hoàng như mặt trăng nhỏ bé Enceladus của sao Thổ. Tháng 3.2006, tàu vũ trụ Cassini đã chụp ảnh những tia băng lớn phóng ra từ các vết nứt rộng lớn ở vùng cực nam của Enceladus. Ảnh: NASA.
Núi lửa có thể được tìm thấy trong vành đai tiểu hành tinh của hệ mặt trời. Trên hành tinh lùn Ceres, hành tinh lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh chính ở khoảng giữa sao Mộc và sao Hỏa, núi lửa có hình dáng kỳ lạ. Năm 2015, tàu vũ trụ Dawn của NASA đã chụp ảnh Ahuna Mons, núi lửa dài 17 km. Ảnh: NASA.
Các nhà khoa học xác định một hố va chạm Wright Mons của sao Diêm Vương. Các dấu hiệu quan sát được chỉ ra rằng Wright Mons đã hoạt động núi lửa muộn trong lịch sử của sao Diêm Vương. Dòng dung nham băng giá từ Wright Mons có thành phần của nước, amoniac và một thành phần màu được cho là chất hữu cơ phức tạp. Ảnh: NASA.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn