MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình minh họa tàu vũ trụ Solar Orbiter tiến gần Mặt trời. Ảnh: ESA

Mãn nhãn cảnh tàu vũ trụ Solar Orbiter bay gần sao Kim

Hải Anh LDO | 14/08/2021 14:26
Tàu vũ trụ Solar Orbiter bay gần sao Kim vào đầu tuần này, chỉ một ngày trước tàu thăm dò sao Thủy BepiColombo.

Tàu vũ trụ Solar Orbiter đã quay được video về hình lưỡi liềm phát sáng của sao Kim khi bay qua hành tinh này ngày 9.8.

Đoạn video do thiết bị Heliospheric Imager hay SoloHI của tàu Solar Orbiter chụp khi bay qua hành tinh nóng và nhiều mây ở khoảng cách 7.995km.

Tàu vũ trụ của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và NASA bay qua sao Kim chỉ một ngày trước khi tàu thám hiểm khác trong Hệ Mặt trời tiếp cận gần sao Kim.

Ngày 10.8, tàu thăm dò sao Thủy BepiColombo - sứ mệnh chung của ESA và Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã lướt qua sao Kim ở khoảng cách gần hơn, chỉ 550km.

Tàu vũ trụ Solar Orbiter của ESA/NASA đã gửi hình ảnh sao Kim này về Trái đất. Ảnh: ESA/NASA

Vì cả 2 tàu vũ trụ Solar Orbiter và BepiColombo đều đang trong quá trình di chuyển tới đích đến nên không phải tất cả thiết bị đều sẵn sàng để quan sát kỹ sao Kim, Space.com lưu ý. Dù vậy, các thiết bị sẵn có trên cả 2 tàu vũ trụ cũng ghi được một số hình ảnh đáng chú ý dù bề mặt sao Kim có độ phản chiếu cao.

Phillip Hess, nhà vật lý thiên văn tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân ở Washington, D.C, Mỹ, cho biết: "Chỉ một phần của phía ban ngày xuất hiện trong các bức ảnh nhưng phản chiếu đủ ánh sáng mặt trời để tạo ra hình lưỡi liềm sáng và các tia nhiễu xạ dường như đến từ bề mặt".

Trong tầm quan sát của SoloHI cũng có thể thấy cả ngôi sao Omicron Tauri và Xi Tauri thuộc chòm sao Kim Ngưu.

Nhà khoa học Johannes Benkhoff của dự án BepiColombo của ESA cho rằng, việc cả 2 tàu vũ trụ bay đến gần sao Kim gần như cùng một lúc sẽ mang lại cơ hội thú vị để nghiên cứu môi trường hành tinh này từ nhiều điểm.

"Điều đó có thể cho phép chúng tôi xem, ví dụ, cách gió mặt trời tương tác với hành tinh và các quá trình này diễn ra nhanh như thế nào" - ông nói.

Sứ mệnh Nhật Bản Akatsuki, tàu vũ trụ duy nhất đang quay quanh sao Kim, cũng cung cấp thêm các phép đo bổ sung.

Chuyến bay ngày 9.8 là chuyến bay qua sao Kim lần thứ 2 của tàu vũ trụ Solar Orbiter. Trong quá trình này, tàu vũ trụ tận dụng lực hấp dẫn của các hành tinh và các thiên thể khác để điều chỉnh quỹ đạo. Solar Orbiter sẽ tiếp tục thăm sao Kim thường xuyên từ năm 2022 đến năm 2030.

Tàu vũ trụ Solar Orbiter không đến gần mặt trời như Parker Solar Probe của NASA. Tuy nhiên, tàu cũng được trang bị kính thiên văn có độ phân giải cao để chụp được những hình ảnh gần nhất từng có về ngôi sao ở trung tâm Hệ Mặt trời. Lần tiếp cận gần Mặt trời đầu tiên của Solar Orbiter sẽ diễn ra vào tháng 3.2022. Tàu sẽ tiến gần bề mặt Mặt trời khoảng 42 triệu km, tức khoảng 1/4 khoảng cách Mặt trời-Trái đất và trong quỹ đạo của sao Thủy.

This browser does not support the video element.

Tàu vũ trụ Solar Orbiter bay qua sao Kim lần 2 vào đầu tuần này. Nguồn: ESA

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn