MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Manh mối săn tìm sự sống ngoài hành tinh ở "siêu trái đất" mới phát hiện

Hải Anh LDO | 05/03/2021 20:00
"Siêu trái đất" mới phát hiện cung cấp cho các nhà khoa học cơ hội nghiên cứu về bầu khí quyển của hành tinh giống trái đất, hỗ trợ cho việc săn tìm sự sống ngoài hành tinh.

Các nhà khoa học đã phát hiện một hành tinh quay quanh một ngôi sao tương đối gần với hệ mặt trời, tạo cơ hội để nghiên cứu về bầu khí quyển của một hành tinh giống trái đất - dạng nghiên cứu có thể hỗ trợ việc săn tìm sự sống ngoài hành tinh, Reuters đưa tin.

Các nhà nghiên cứu cho biết hôm 4.3 rằng, hành tinh này được gọi là Gliese 486 b và được phân loại là "siêu trái đất". "Siêu trái đất" là thuật ngữ chỉ những hành tinh ngoài hệ mặt trời có khối lượng gấp nhiều lần trái đất, có bề mặt đất đá và khí quyển mỏng.

“Siêu trái đất” Gliese 486 b nóng và khô như sao Kim với những dòng dung nham có thể chảy trên bề mặt. Ảnh: Renderarea

Gliese 486 b không phải là ứng viên hứa hẹn làm nơi sinh sống bởi nó nóng và khô như sao Kim. Môi trường trên hành tinh này khắc nghiệt với những dòng sông dung nham có thể chảy trên bề mặt.

Dù vậy, "siêu trái đất" này có những đặc điểm gần gũi với trái đất, thích hợp cho việc nghiên cứu bầu khí quyển bằng các kính thiên văn trên mặt đất và kính thiên văn thế hệ tiếp theo được mang theo vào vũ trụ, bắt đầu với kính thiên văn không gian James Webb dự kiến ​​sẽ phóng vào tháng 10 tới.

Những kính thiên văn này có thể cung cấp cho các nhà khoa học những dữ liệu để giải mã bầu khí quyển của những hành tinh ngoài hệ mặt trời (ngoại hành tinh) trong đó có thể có những hành tinh có sự sống.

"Chúng ta có thể nói rằng Gliese 486 b sẽ ngay lập tức trở thành "phiến đá Rosetta" của ngành khoa học nghiên cứu ngoại hành tinh, ít nhất là với những hành tinh giống trái đất" - nhà vật lý thiên văn José Caballero, đồng tác giả nghiên cứu thuộc Centro de Astrobiología ở Tây Ban Nha, cho biết. Phiến đá Rosetta cổ đại là chìa khóa quan trọng để các nhà khoa học giải mã được chữ tượng hình Ai Cập.

Các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện hơn 4.300 ngoại hành tinh. Một số ngoại hành tinh trong số này là hành tinh khí tương tự như sao Mộc. Một số hành tinh khác nhỏ hơn, tương tự như trái đất và được xem là những ứng viên tiềm năng có sự sống. Tuy nhiên, các dụng cụ khoa học hiện có của chúng ta chưa đủ để nghiên cứu được về bầu khí quyển của những hành tinh này.

"Siêu trái đất" Gliese 486 b có khối lượng gấp 2,8 lần trái đất, cách trái đất khoảng 26,3 năm ánh sáng và được xem là một trong những ngoại hành tinh gần nhất.

Gliese 486 b có quỹ đạo quay quanh một sao lùn đỏ. Sao lùn đỏ này nhỏ, mát hơn và ít ánh sáng hơn so với mặt trời và có khối lượng bằng khoảng 1/3 của mặt trời.

Giống như trái đất, Gliese 486 b là hành tinh đá và được cho là có khả năng có lõi kim loại. Bề mặt của "siêu trái đất" này có nhiệt độ khoảng 430 độ C và trọng lực ở bề mặt có thể mạnh hơn 70% so với trái đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn