MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vệ tinh Cosmos-1408 trước và sau màn phóng tên lửa chống vệ tinh của Nga ngày 15.11. Ảnh: Numerica

Mảnh vỡ không gian do tên lửa chống vệ tinh của Nga qua kính viễn vọng

Bảo Châu LDO | 17/11/2021 15:33
Các mảnh vỡ của một vệ tinh cũ sau vụ thử tên lửa chống vệ tinh của Nga hôm 15.11 có thể quan sát được qua hình ảnh từ kính viễn vọng mới.

Space.com đưa tin, hình ảnh được thực hiện bởi Numerica Corp - một công ty có trụ sở tại Colorado, Mỹ, chuyên theo dõi các vật thể mảnh vỡ trong không gian - và do đối tác của công ty này là Slingshot Aerospace chia sẻ trên Twitter. 

Đây là hình ảnh thu được sau vụ thử nghiệm chống vệ tinh của Nga hôm 15.11, một tên lửa được bắn lên từ mặt đất để phá hủy một vệ tinh không còn hoạt động mang tên Cosmos-1408.

Ngoài ra còn có một đoạn video ghi bằng kính thiên văn cho thấy một vài trong số hơn 1.500 mảnh vỡ có thể theo dõi được của vệ tinh Cosmos-1408 sau khi nó bị Nga phá hủy. Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cùng các quan chức quân sự và Giám đốc NASA Bill Nelson là những người đã lên án Nga về hành động mà họ cho rằng đã khiến Trạm Vũ trụ Quốc tế gặp rủi ro từ các mảnh vỡ.

This browser does not support the video element.

Mảnh vỡ vệ tinh Cosmos-1408 sau màn phóng tên lửa chống vệ tinh của Nga ngày 15.11. Video: Numerica

Trên thực tế sự kiện này đã có ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động trên Trạm ISS. Phi hành đoàn Expedition 66 gồm 7 người, trong đó có 2 phi hành gia Nga và 3 phi hành gia Mỹ, đã phải trú ẩn tạm thời trong tàu vũ trụ khi trạm bay ngang qua vùng không gian mảnh vụn. 

Trạm vũ trụ ISS đang ở độ cao khoảng 400 km so với Trái đất, được cho là cứ sau 90 phút sẽ di chuyển qua cánh đồng mảnh vỡ một lần. Công ty theo dõi mảnh vỡ không gian LeoLabs cho rằng vùng không gian chứa các mảnh vỡ vệ tinh nằm ở độ cao từ 440 đến 520km so với Trái đất.

Trung Quốc cũng có module trạm vũ trụ quỹ đạo thấp, tên gọi Thiên Hà, hiện có 3 phi hành gia đang làm việc. Không rõ liệu phi hành đoàn này có thực hiện bất kỳ biện pháp đặc biệt nào do hậu quả của vụ việc hay không. Độ cao trung bình của module lõi Thiên Hà là khoảng 368km.

Nga và Mỹ là các đối tác chính hợp tác trong dự án Trạm vũ trụ quốc tế ISS bắt đầu từ đầu những năm 1990.

Vào tháng 8, NASA và Roscosmos cho biết sự hợp tác của họ vẫn bền chặt bất chấp một sự cố hồi tháng 7 khi module Nauka mới đến của Nga vô tình làm nghiêng trạm vũ trụ 540 độ, gây ra tình trạng khẩn cấp tạm thời. 

Theo thông tin từ NASA, vào thời điểm đó các phi hành gia không gặp nguy hiểm gì. Trong khi đó, vụ nổ nhầm động cơ đẩy trên tàu vũ trụ Soyuz MS-18 của Nga đã làm thay đổi định hướng của ISS một lần nữa vào tháng 10 trong khoảng 30 phút.

Một tuyên bố của NASA về sự cố mảnh vỡ mới hôm 15.11 lưu ý rằng các cửa sập giữa các phân đoạn phía Mỹ và phía Nga của Trạm vũ trụ vẫn còn mở cửa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn