MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ đô Mátxcơva của Nga vắng lặng trong thời kỳ giãn cách. Ảnh: AFP

Mátxcơva “nuôi” nước Nga hay nước Nga “nuôi” Mátxcơva?

Nguyễn Quang (Theo svpressa.ru) LDO | 05/09/2021 10:41
Ông Sergei Sobyanin, Thị trưởng Mátxcơva cho biết, thành phố thủ đô này là nhà tài trợ lớn nhất cho các khu vực của Nga, đã làm dấy lên cuộc tranh cãi về việc ai “nuôi” ai: Thủ đô hay là các tỉnh.

Nền kinh tế khổng lồ Mátxcơva

“Chúng tôi không được nhận bất cứ khoản tiền nào, nhưng tiền của Mátxcơva thì được chuyển vào ngân sách liên bang. Và số tiền này đủ để chuyển 60% các khoản chuyển đến mọi miền đất nước. Đồng thời, 48% đóng góp xã hội thu được ở Mátxcơva cho năm 2020 được chi cho việc chi trả lương hưu và chăm sóc y tế cho cư dân các khu vực khác. Số tiền này là 800 tỷ rúp (11 tỉ USD)” - Thị trưởng Mátxcơva giải thích.

Các chỉ số cuộc sống của thủ đô Mátxcơva thực sự ấn tượng. Mức lương trung bình là 95.000 rúp (1.300 USD), lương hưu trung bình cho người già - 17.800 rúp (245 USD). Tàu điện ngầm đang được xây dựng với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Mới đây, thành phố còn thực hiện miễn phí vận chuyển đường bộ. Trong các khu vực khác, ngay cả ở St.Petersburg, cũng chưa được như vậy.

Theo ông Dmitry Zhuravlev, Giám đốc Viện Các vấn đề Khu vực, hệ thống quan hệ hiện có giữa trung tâm với các khu vực là phản ứng đối với vấn đề chủ quyền của các khu vực từ những năm 1990 dưới thời ông Boris Yeltsin.

Khi nói về quan hệ giữa Mátxcơva với các khu vực, có hai khái niệm hoàn toàn không đồng nhất với nhau.

Một bên là Mátxcơva - nơi có nền kinh tế khổng lồ. Tuy nhiên, chủ yếu là tài chính và dịch vụ, còn việc sản xuất ở Mátxcơva là vô nghĩa vì giá đất, giá nhân công cao, ở đây hầu hết mọi thứ đều đắt như “vàng”. Nhưng rõ ràng là nền kinh tế này đang hoạt động. Mátxcơva thực sự đang nuôi sống chính mình lẫn những người xung quanh, ít ra là trong tỉnh Mátxcơva.

Và còn có một "Mátxcơva" khác, Mátxcơva của Liên bang. Nó không cung cấp cho các khu vực, nhưng thu tiền, phân phối lại và trả lại cho các khu vực. Chỉ có điều là không được cân xứng. Có nơi thì Mátxcơva thu được nhiều hơn nhưng chi ít hơn, có nơi thì nhận ít hơn nhưng lại chi nhiều hơn.

Do trụ sở chính của tất cả công ty lớn nhất đều tập trung ở Mátxcơva, phần lớn thuế được nộp vào ngân sách thành phố chứ không phải các khu vực mà các công ty này tiến hành các hoạt động chính của họ. Mặc dù hiện nay, ngay cả Bộ Tài chính cũng đã đề nghị các doanh nghiệp nộp thuế tại nơi có mặt thực tế chứ không phải tại địa điểm của công ty mẹ.

Ở Nga, do quản lý theo chiều dọc, các công ty mẹ luôn sát cánh với chính phủ. Đối với Nga, thủ đô luôn là tập hợp của các công ty mẹ. Tổng công ty dầu khí Gazprom vừa bị kéo đến St.Petersburg, nhưng đó là sự vật lộn giống như một cuộc chiến thực sự.

Ngân sách của Mátxcơva lớn hơn vì đó là thủ đô. Nhưng thành phố không sống bằng chi phí của người khác, mà là do đặc thù của nền kinh tế Nga. Và bên cạnh đó, là do chất lượng quản lý. Mátxcơva có thể chi trả cho những nhà quản lý có năng lực và đắt giá. Nhờ họ mà việc quản lý trong thành phố thực sự ở mức cao. Ví dụ như, sau khi Gazprom rời đến St.Petersburg, nguồn thu ngân sách của thủ đô không hề giảm.

Liên bang đứng ra thu rất nhiều loại thuế và sau đó thì trả lại, bởi vì đây là cách nhà nước quản lý các khu vực. Đây là hệ thống kiểm tra và cân bằng, là phản ứng với công thức của Yeltsin của những năm 1990: Nga dường như đã đi qua giai đoạn này nhưng giờ thì có vẻ như khó thay đổi.

Tàu điện ngầm ở Mátxcơva trang hoàng dịp Giáng sinh 2020. Ảnh: AFP

San bằng sự mất cân bằng

Vera Ganzia, ủy viên Ủy ban Ngân sách và Thuế của Duma Quốc gia, cho rằng đã đến lúc phải bắt đầu san bằng sự mất cân bằng giữa Mátxcơva và phần còn lại của nước Nga.

Mátxcơva thu một lượng thuế thu nhập cá nhân lớn hơn nhiều so với ngân sách của các thành phố lớn khác. Chính phủ, Duma Quốc gia, Hội đồng Liên bang, tất cả các cơ quan ban ngành đều được đặt tại đây, tất cả đều có mức lương cao và do đó thuế thu nhập cũng khá cao. Mức lương ở các vùng khác thấp hơn nhiều, đồng nghĩa với việc thuế thu nhập cá nhân cũng thấp hơn.

Thu thuế VAT cao nhất cũng là ở Mátxcơva. Tuy nhiên, nếu so sánh Mátxcơva thậm chí với St.Petersburg cũng có thể thấy rõ điều đó. Theo Cơ quan Thuế Liên bang, St.Petersburg nộp ngân sách liên bang nhiều hơn số tiền giữ lại cho mình. Còn Mátxcơva thì giữ lại phần lớn số đó, và chỉ gửi phần nhỏ hơn tới trung tâm liên bang.

Nhiều người nói cuộc sống ở thủ đô đắt đỏ hơn. Tất nhiên, nếu đến các cửa hàng cao cấp thì ở đó mọi thứ đều đắt đỏ, còn nếu mua thực phẩm ở các chợ thì có thể mua mọi thứ rẻ hơn. Ví dụ, rau ở đó rẻ hơn nhiều so với ở Novosibirsk. Trong khi đó, lương ở Mátxcơva cao gấp 2-2,5 lần.

Và nhiều người dân thủ đô có nhiều tiền dư hơn đã đầu tư vào các khu vực, như trong lĩnh vực bất động sản. Do đó, giá căn hộ, nhà ở, nhà nghỉ mùa hè ở nông thôn, gara ô tô ở các khu vực đang tăng lên. Các chủ sở hữu vốn không sống ở đó, thậm chí không cho thuê mà giữ chúng như tài sản, vì điều này mà người dân tỉnh lẻ không thể mua được nhà ở cho mình.

Ngoài ra, còn một phương thức nữa mà chính phủ còn lúng túng, đó là chuyển các khoản thanh toán thuế đến địa điểm sản xuất thực sự, chứ không phải là nơi đăng ký công ty. Điều này sẽ trở thành một sự trợ giúp chính cho các khu vực và cần được thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn