MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều giả thuyết đã được đưa ra về sự mất tích bí ẩn của chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines. Ảnh: AFP

MH370: Lô hàng 4,5 tấn bí mật trong khoang dấy lên giả thuyết mới

Phương Linh LDO | 07/03/2021 19:50
Điều tra viên tiết lộ máy bay MH370 đã chở theo một lô hàng bí mật nặng 4,5 tấn trước khi mất tích bí ẩn 7 năm trước.

Theo tin từ tờ Express của Anh, đã có nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra trong nhiều năm để lý giải sự mất tích bí ẩn chuyến máy bay MH370 của Malaysia Airlines hồi năm 2014, bao gồm một giả thuyết giật gân rằng nó là một “quả bom bay”.

Khởi hành từ sân bay Kuala Lumpur để đến Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 8.3.2014 cùng với 12 thành viên phi hành đoàn và 227 hành khách, chiếc Boeing 777 - dưới sự điều khiển của cơ trưởng Zaharie Shah - đã biến mất hoàn toàn sau khi liên lạc lần cuối với kiểm soát không lưu vào lúc 1h19 sáng trên Biển Đông.

MH370 cho đến nay vẫn ''bặt vô âm tín'' bất chấp nỗ lực tìm kiếm cùng khoản chi phí khổng lồ, kỷ lục trong ngành hàng không. Ảnh: Express

Thời điểm đó, trong khoang hàng chiếc máy bay số hiệu MH370 có 4,5 tấn măng cụt cùng với 221kg pin lithium-ion.

Chuyên gia hàng không Clive Irving cho rằng, chiếc máy bay đã lao xuống Ấn Độ Dương ở một khu vực hẻo lánh sau một vụ nổ không thể kiểm soát trên máy bay do hai vật này va chạm vào nhau.

Tuy nhiên, sau khi một báo cáo của nhóm điều tra an toàn phụ lục 13 của ICAO Malaysia cho biết đó là điều "rất khó xảy ra" vào năm 2018, nhà báo điều tra Florence de Changy đã tiết lộ thêm thông tin về lô hàng hóa này.

Trong cuốn sách ''The Disappearing Act'' của mình, bà Changy tuyên bố các tài liệu về tải trọng "có thể được công khai trong vòng vài phút sau khi máy bay mất tích" nhưng điều đó đã không được thực hiện.

Lãnh đạo phe đối lập của Malaysia, Anwar Ibrahim, từng nói với bà: “Tôi tự hỏi loại hàng hóa nào có thể bí mật đến mức bản kê khai hàng hóa của một chuyến bay thương mại lại được coi như một tài liệu mật”.

Bà Changy phải mất hơn hai tháng để thu thập được các tài liệu về hàng hóa trên máy bay, và thậm chí chúng vẫn chưa hoàn thiện. Nhưng dù sao bà cũng bị “chấn động” bởi những gì đã tìm thấy, và nó làm dấy lên một giả thuyết mới liên quan đến hàng hóa trên chuyến bay.

Trong nội dung cuốn sách, bà Changy cho biết: “Số trái cây được cho là đến từ Muar ở bang Johor, phía nam Kuala Lumpur. Chuyến bay MH370 đã chở 4.566 kg loại quả này. Bốn tấn rưỡi, tương đương với con hà mã lớn nhất thế giới đang cõng con trên lưng''.

Tác giả đã đặt ra nghi vấn: “Số lượng này dường như còn đáng kinh ngạc hơn vì thời điểm đó không phải là mùa măng cụt''.

“Tháng 3 đã qua mùa thu hoạch măng cụt. Hơn nữa, khi có tin về lô hàng này, Cơ quan Tiếp thị Nông nghiệp Liên bang (FAMA) đã tuyên bố rằng không có cây măng cụt nào ở bang Johor có khả năng kết trái vào lúc đó”, tác giả tiết lộ.

Tổng Thanh tra Cảnh sát Malaysia, Khalid Abu Bakar Tan, sau đó đã làm rõ rằng trái cây không phải đến từ Muar mà chỉ được đóng gói ở đó.

Kể cả như vậy, điều này vẫn khiến bà Changy không khỏi nghi ngờ vì thị trấn nhỏ Muar cách thủ đô Kuala Lumpur hơn 100km.

Các điều tra sau đó cũng hé lộ rằng trong khoảng thời gian từ ngày 3.3 đến ngày 17.4.2014, Malaysia Airlines đã vận chuyển khoảng 50 chuyến hàng “măng cụt tươi” đến Bắc Kinh, Trung Quốc.

Cuối cùng, nhà báo Changy đi đến kết luận "có điều gì đó mờ ám" đang diễn ra.

Năm 2015, bà đã tham dự một cuộc họp báo tại Đại học Hong Kong về nạn buôn bán ngà voi và động vật hoang dã ở châu Á. Thông tin được cung cấp tại họp báo cho thấy "nhiều trung tâm khác nhau cho hoạt động buôn bán bất hợp pháp này và sân bay quốc tế Kuala Lumpur cho đến nay là vòng tròn lớn nhất trên toàn bản đồ".

Theo suy đoán cá nhân, bà Changy cho rằng “những trái măng cụt tươi” chỉ “đơn thuần là vật che giấu cho những lô hàng vảy tê tê, ngà voi hoặc sừng tê giác... và cách giải thích này ít nhất sẽ là giả thuyết lý giải hầu hết những điều bất thường liên quan đến số hàng hóa đó''.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn