MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực khai quật mộ cổ ở Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: Học viện Khảo cổ Thiểm Tây

Mộ cổ 2.000 năm tuổi hé lộ thời phong kiến Trung Quốc

Song Minh LDO | 14/02/2023 15:52
Các nhà khảo cổ Trung Quốc gần đây đã phát hiện 8 ngôi mộ cổ có từ thời nhà Chu (1046-256 trước Công nguyên) tại một khu phế tích ở tỉnh Thiểm Tây.

Khu phế tích ở tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc là một khu vực giàu di tích văn hóa đánh dấu sự phát triển của nền văn minh Trung Quốc

Theo Hoàn cầu Thời báo, các di vật được khai quật từ những ngôi mộ tiết lộ rằng khu vực này là thái ấp của một gia đình quý tộc, do đó cung cấp thêm tư liệu để nghiên cứu về hệ thống phong kiến cổ đại của Trung Quốc.

Với diện tích khoảng 800.000 mét vuông, di tích được chia thành các khu vực khác nhau như khu vực sinh sống và nghĩa trang lớn, trải dài từ thời Tây Chu (1046-771 trước Công nguyên) đến thời Đông Chu (770-256 trước Công nguyên).

Di vật khai quật từ mộ cổ. Ảnh: Học viện Khảo cổ Thiểm Tây

Các nhà nghiên cứu từ Học viện Khảo cổ Thiểm Tây cho biết, các ngôi mộ được xây dựng từ cuối triều đại Tây Chu đến đầu triều đại Đông Chu.

Các ngôi mộ có hình dạng đồng nhất, với chiều dài lớn nhất là 36,6 mét. Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tìm thấy từ 1 đến 3 bộ xương người bị chôn sống cùng với người chết trong 6 ngôi mộ. Một số mảnh vỡ của đồ gốm cũng như xe đẩy và bộ xương ngựa cũng được khai quật từ các ngôi mộ.

Trong số những khám phá này, một số đồ đồng đã được chôn cùng với những chiếc xe, bao gồm một chiếc "ding" bằng đồng (vật đựng thức ăn dùng trong nghi lễ có ba chân và hai tay cầm) và chiếc rìu bằng đồng.

Chiếc “ding” bằng đồng được khai quật từ mộ cổ. Ảnh: Học viện Khảo cổ Thiểm Tây

Chữ khắc trên những món đồ bằng đồng này tiết lộ rằng những ngôi mộ và di vật thuộc về gia tộc Jing, một gia đình quý tộc với nhiều chức quan to trong chính quyền nhà Chu.

Đánh giá về niên đại, thiết kế, đồ vật chôn cất và chữ khắc của ngôi mộ, các nhà khảo cổ suy đoán rằng khu vực xung quanh khu phế tích ban đầu là một thái ấp của gia tộc Jing.

Các nhà nghiên cứu Học viện Khảo cổ học Thiểm Tây chỉ ra, khu phế tích là ví dụ hiếm hoi về một thái ấp ở tây bắc Trung Quốc tồn tại vào cuối thời Tây Chu và đầu thời Đông Chu, có ý nghĩa to lớn đối với việc nghiên cứu về hệ thống phong kiến, chính trị của các triều đại và địa lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn