MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một hố va chạm trên sao Hỏa hình thành trong vòng 5 năm qua. Ảnh: NASA

Mối đe dọa không ngờ khi định cư trên sao Hỏa

Thanh Hà LDO | 26/06/2021 20:03
Sống trên sao Hỏa có thể gặp thử thách từ những thiên thể bất thình lình xuất hiện từ bầu trời do không có bầu khí quyển ngăn chặn.

Sinh sống trên sao Hỏa đối mặt với vô số rủi ro như thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ, bức xạ, các vấn đề về sinh lý của con người khi sống trong điều kiện trọng lực giảm. Đặc biệt, một vấn đề khác đáng chú ý là những mối đe dọa từ trên trời khiến những người sống trên sao Hỏa sẽ ước có bầu khí quyển bao quanh hành tinh, theo Phys.

Sao Hỏa và Trái đất đều thường xuyên va chạm với các mảnh vỡ không gian như bụi, thiên thể nhỏ, thiên thạch. Trên Trái đất, những thiên thể này thường bốc hơi trong bầu khí quyển.

“Tuy nhiên, trên sao Hỏa, với áp suất bề mặt bằng 100 lần so với Trái đất, các tác nhân va chạm thường xuyên đến được bề mặt hành tinh đỏ" - nhóm nghiên cứu camera HiRISE trên tàu quỹ đạo do thám sao Hỏa (MRO) của NASA cho biết.

Camera HiRISE đã chụp được ảnh về một hố va chạm nhỏ hình thành vào khoảng thời gian 5 năm qua. Dù miệng hố va chạm nhỏ nhưng các tia phóng ra do va chạm rất dễ phát hiện, trải dài gần 1km.

Về tần suất va chạm của các thiên thể với bề mặt sao Hỏa, nghiên cứu năm 2013 ước tính hành tinh đỏ bị hơn 200 tiểu hành tinh nhỏ hoặc các mảnh nhỏ của sao chổi va chạm mỗi năm, tạo thành các miệng va chạm có chiều ngang ít nhất là 3,9m.

Giống như trên Trái đất, một tác động nhỏ từ các thiên thể cũng sẽ tàn phá bất kỳ khu định cư nào trên sao Hỏa. Nhưng những tác động ở quy mô này sẽ xảy ra thường xuyên hơn trên sao Hỏa.

Hố va chạm hình thành sau khi thiên thạch rơi xuống sao Hỏa. Ảnh: NASA

Đường kính sao Hỏa bằng một nửa Trái đất và không khí mỏng hơn bao quanh hành tinh này có khối lượng chưa bằng 1% của Trái đất. Thành phần khí quyển cũng khác biệt đáng kể: Chủ yếu là carbon dioxide trong khi Trái đất giàu nitơ và ôxy.

MRO đã ở trên quỹ đạo sao Hỏa từ năm 2006 qua đó có lợi thế về quan sát và diễn giải những hình ảnh của hành tinh. Camera HiRISE trong những năm qua liên tục chụp một số khu vực trên sao Hỏa đã phát hiện rất nhiều miệng hố va chạm mới hình thành. Các nhà khoa học có thể nghiên cứu các hình ảnh trước và sau va chạm để tính toán tỉ lệ tác động dựa trên các miệng hố mới.

Nghiên cứu năm 2013 cho thấy tần suất hình thành các miệng hố va chạm mới, có đường kính ít nhất 3,9m, là khoảng một hố va chạm mỗi năm trên mỗi khu vực bề mặt sao Hỏa, tức gần bằng diện tích của bang Texas, Mỹ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn