MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mối lo ngại mới về rác vũ trụ

Nguyễn Hạnh LDO | 01/05/2021 07:51
Một nghiên cứu mới cảnh báo rằng bầu trời đêm ngày càng trở nên đầy ắp các vệ tinh sáng lóa và rác vũ trụ, gây ra mối đe dọa đáng kể đối với tầm nhìn của chúng ta về vũ trụ, cũng như nghiên cứu thiên văn.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra hơn 9.300 tấn vật thể không gian quay quanh trái đất, bao gồm các vệ tinh không hoạt động và các mảnh của tên lửa đã qua sử dụng, làm tăng độ sáng tổng thể của bầu trời đêm lên hơn 10%, theo Live Science.

Các nhà nghiên cứu cho biết trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical, sự gia tăng như vậy có nghĩa là trái đất đang dần bị ô nhiễm ánh sáng, khiến các nhà thiên văn ngày càng khó thực hiện các phép đo chính xác và làm tăng khả năng bỏ lỡ những khám phá quan trọng.

"Chúng tôi dự kiến ​​độ sáng bầu trời sẽ tăng nhẹ, ước tính lý thuyết đầu tiên của chúng tôi đã tỏ ra khá thuyết phục và nó khuyến khích chúng tôi báo cáo kết quả của mình ngay lập tức", Miroslav Kocifaj - tác giả chính của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Khoa học Slovakia - cho biết.

Theo các nhà nghiên cứu, các vệ tinh và rác vũ trụ làm hỏng các hình ảnh thiên văn bằng cách tán xạ ánh sáng mặt trời, tạo ra các vệt sáng không thể phân biệt được và thường sáng hơn các vật thể mục tiêu của vật lý thiên văn, gây khó khăn nếu không muốn nói là không thể có được hình ảnh rõ nét.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hiệu ứng này rõ rệt nhất khi quan sát vũ trụ bằng các thiết bị dò tìm có độ phân giải thấp, chẳng hạn như mắt người, dẫn đến độ sáng khuếch tán trên toàn bộ bầu trời đêm. Hình ảnh của các kính thiên văn có độ phân giải cao và độ nhạy cao cũng có thể bị hỏng một phần do ô nhiễm ánh sáng, mặc dù chúng có thể phân giải ánh sáng phản xạ.

John Barentine - đồng tác giả nghiên cứu và là giám đốc chính sách công của Hiệp hội Bầu trời đêm Quốc tế - cho biết: "Không giống như ô nhiễm ánh sáng ở mặt đất, loại ánh sáng nhân tạo này trên bầu trời đêm có thể được nhìn thấy trên một phần lớn bề mặt Trái đất. Các nhà thiên văn học xây dựng các đài quan sát xa ánh đèn thành phố để có thể quan sát bầu trời tối, nhưng dạng ô nhiễm ánh sáng này có phạm vi địa lý lớn hơn nhiều".

Bầu trời đêm thậm chí còn có thể trở nên lộn xộn và sáng hơn, với việc liên tục lắp đặt các mạng lưới vệ tinh và một loạt các vệ tinh thương mại nhằm cung cấp internet toàn cầu. Ít nhất 12 nhà khai thác, bao gồm Amazon, SpaceX và OneWeb, có kế hoạch phóng các mạng lưới vệ tinh mới hoặc mở rộng các mạng hiện có. Mạng lưới vệ tinh Starlink của SpaceX hiện có 1.200 vệ tinh trên quỹ đạo, nhưng công ty dự định sẽ tăng số vệ tinh của mình lên 42.000 trong những thập kỷ tới, gần gấp 14 lần số vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo hiện nay.

Bầu trời ngày càng "đông đúc" cũng làm tăng khả năng các vệ tinh va chạm với nhau và với các vật thể khác, tạo ra nhiều mảnh vỡ sáng bóng hơn.

Một giải pháp đã được Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đề xuất vào tháng 12.2019, là phóng robot vào năm 2025 để thu gom rác không gian. ESA hy vọng sẽ thực hiện sứ mệnh này như một thử nghiệm cho một hoạt động trên phạm vi rộng lớn của một đội robot dọn dẹp.

Johann Dietrich Worner - tổng giám đốc của ESA, đề nghị các công ty và cơ quan phóng vệ tinh có trách nhiệm thu dọn rác của họ.

Một nhóm các nhà khoa học Australia thậm chí đã đề xuất cho nổ tung rác từ không gian bằng tia laser.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng báo cáo của họ sẽ nâng cao nhận thức về tác hại của bầu trời đêm đầy rác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn