MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các phi hành gia trên ISS chụp ảnh ngày 4.10.2021. Ảnh: NASA

Mối nguy khó lường khi phi hành gia thực hiện sứ mệnh không gian

Nguyễn Hạnh LDO | 13/10/2021 11:56
Một nghiên cứu mới cung cấp bằng chứng cụ thể đầu tiên cho thấy việc sống lâu trong không gian có thể gây tổn thương não, theo Daily Mail.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Gothenburg (Thụy Điển) đã theo dõi 5 nam phi hành gia người Nga ở trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong thời gian trung bình không quá 169 ngày.

Các phi hành gia được lấy mẫu máu trước khi lên không gian và sau khi quay trở lại Trái đất. Mẫu máu đầu tiên được lấy 20 ngày trước khi mỗi người lên ISS, các mẫu tiếp theo được lấy sau khi lên không gian 1 ngày, 1 tuần và 21-25 ngày. Những mẫu máu cho phép các nhà khoa học đo 5 dấu ấn sinh học về tổn thương não. 

Kết quả cho thấy nồng độ của 3 trong số 5 dấu ấn sinh học trở nên cao hơn sau khi các phi hành gia sống một thời gian dài trong không gian. 

Henrik Zetterberg - giáo sư khoa học thần kinh và là một trong hai đồng tác giả cao cấp của nghiên cứu - cho biết: "Đây là lần đầu tiên bằng chứng cụ thể về tổn thương tế bào não được ghi nhận trong các xét nghiệm máu sau các chuyến bay vào vũ trụ. Điều này phải được khám phá thêm và ngăn chặn nếu du hành vũ trụ trở nên phổ biến hơn trong tương lai".

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Neurology, phát hiện này cho thấy có sự thay đổi dịch trong não khi phi hành gia ở trong không gian và có thể đã tác động đến hàng rào máu não. 

Có những anh hùng du hành vũ trụ khác từng sống trong không gian lâu hơn gấp đôi so với 5 phi hành gia thuộc nghiên cứu.

Nhà du hành vũ trụ người Nga Valeri Polyakov trải qua 437 ngày trên Trạm vũ trụ Hòa Bình từ năm 1994-1995 và hiện vẫn giữ kỷ lục người ở trong không gian lâu nhất.

Phi hành gia NASA Scott Kelly sống trong không gian 340 ngày từ năm 2015-2016. Phi hành gia NASA Christina Koch - người nổi tiếng nhờ tham gia chuyến đi bộ ngoài không gian toàn nữ đầu tiên - dành 328 ngày trong không gian khi lên ISS năm 2019.

Phi hành gia NASA Scott Kelly. Ảnh: NASA
Phi hành gia NASA Christina Koch. Ảnh: NASA

Một nghiên cứu được NASA hỗ trợ và được công bố năm 2019, cũng xem xét tác động của du hành vũ trụ lên não người.

Ảnh quét não của các phi hành gia từ trước và sau chuyến bay vũ trụ cho thấy những thay đổi thường liên quan đến các quá trình lâu dài như lão hóa, bao gồm sự suy giảm trong các vùng chịu trách nhiệm về chuyển động và xử lý thông tin cảm giác.

Kết quả cũng cho thấy não của phi hành gia có thể thích ứng với những thay đổi này theo thời gian.

Giáo sư Rachel Seidler từ Cao đẳng Y tế và Hiệu suất Con người tại Đại học Florida (Mỹ) cho hay: "Trong không gian, dịch cơ thể hướng về phía đầu. Khi bạn xem ảnh và video của các phi hành gia, khuôn mặt họ thường trông sưng húp vì trọng lực không kéo dịch xuống cơ thể". 

Theo nghiên cứu mới, du hành không gian cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất trắng của não trong các vùng kiểm soát chuyển động và xử lý thông tin cảm giác.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, khi bay lên không gian, dịch xung quanh não đọng lại ở đáy não, như thể não đang "nổi cao hơn" trong hộp sọ.

Điều này có thể là nguyên nhân của tình trạng được gọi là Spaceflight Associated Neuro-Ocular Syndrome (tạm dịch: Hội chứng thần kinh-mắt liên quan đến chuyến bay không gian), gây ra những thay đổi về thị giác và dây thần kinh thị giác.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng các vấn đề về chất trắng dường như không phải là vĩnh viễn. Thông thường, những thay đổi này sẽ tự khắc phục trong vài tuần sau khi các phi hành gia trở về Trái đất. Một số thay đổi có thể kéo dài hàng tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn