MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường ống dẫn khí TurkStream. Ảnh: Hungary Today

Một nước châu Âu ra cảnh báo về đường ống dẫn khí từ Nga

Ngọc Vân LDO | 02/09/2023 08:38

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói rằng đường ống dẫn khí TurkStream rất quan trọng đối với an ninh năng lượng.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic bày tỏ hy vọng rằng đường ống TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ), vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga đến Serbia qua Biển Đen, sẽ an toàn và không ai có ý định tấn công đường ống như đã xảy ra với các đường ống Nord Stream.

Tuyên bố của Tổng thống Vucic được đưa ra sau lời cảnh báo của Thủ tướng Hungary Viktor Orban rằng cả Budapest và Belgrade sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào các tuyến đường cung cấp khí đốt của Nga tới khu vực là cái cớ để gây chiến.

Đường ống Nord Stream - được xây dựng để cung cấp khí đốt Nga dưới biển Baltic tới Đức - đã bị rung chuyển bởi vụ nổ vào tháng 9 năm ngoái. Nhà điều hành đường ống, Nord Stream AG, cho biết thiệt hại là chưa từng có và không thể ước tính được việc sửa chữa mất bao lâu.

Chưa có kết quả điều tra chính thức nào được công bố, nhưng nhà báo điều tra kỳ cựu người Mỹ Seymour Hersh cho rằng vụ việc có bàn tay của Mỹ và Na Uy. Washington phủ nhận bác bỏ các cáo buộc là “hoàn toàn hư cấu”.

“Hy vọng không ai nghĩ đến việc tấn công đường ống và bỏ rơi chúng tôi vào mùa đông” - Tổng thống Vucic phát biểu với báo giới hôm 31.8 khi được yêu cầu bình luận.

Nhà lãnh đạo Serbia nhấn mạnh, bất kỳ thiệt hại nào đối với TurkStream hoặc hệ thống truyền dẫn khí đốt sẽ là một “tai họa” đối với Serbia và Hungary. Cả hai quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu khí của Nga và đều phản đối các biện pháp trừng phạt có thể khiến họ không nhận được nguồn cung từ Mátxcơva. Hai nước cũng từ chối áp đặt bất kỳ hạn chế riêng nào.

Trong khi đó, South Stream Transport - công ty vận hành TurkStream - cho biết sẽ không thể sửa chữa đường ống trong trường hợp bị hư hại, vì chính phủ Hà Lan đã thu hồi giấy phép.

South Stream Transport là công ty con của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga. Công ty buộc phải nộp đơn lại lên chính quyền Hà Lan để xin gia hạn giấy phép xuất khẩu, vốn đã bị rút vào tháng 9 năm ngoái trong bối cảnh Nga bị EU trừng phạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn