MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngô được vận chuyển đến Vinnytsia, Ukraina. Ảnh: Ukrinform

Một nước thành viên đối đầu với EU về lệnh cấm ngũ cốc Ukraina

Song Minh LDO | 21/08/2023 17:08

Các thành viên khác của EU có thể trừng phạt Ba Lan nếu nước này áp đặt lại các biện pháp cấm ngũ cốc Ukraina.

Giới chức Ba Lan lo ngại rằng, các quốc gia thành viên EU riêng lẻ có thể trả đũa nếu Ba Lan tiến hành kế hoạch loại trừ ngũ cốc Ukraina khỏi thị trường nước này - động thái vi phạm các chính sách của Liên minh châu Âu.

Đài phát thanh RFM đưa tin, có tới 20 trong số 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu phản đối gia hạn lệnh của EU cấm 5 nước giáp biên giới Ukraina nhập khẩu một số nông sản của nước này.

EU áp đặt biện pháp nói trên theo yêu cầu của Ba Lan, Hungary, Romania, Slovakia và Bulgaria. Các quốc gia này muốn lệnh cấm được duy trì cho đến ít nhất là cuối năm nay, thay vì hết hạn vào ngày 15.9.

Tháng trước, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus tuyên bố, nếu EU không chấp nhận yêu cầu này, chính phủ Warsaw sẽ áp đặt lệnh cấm đơn phương. Ba Lan đã làm như vậy vào tháng 4, trước khi Ủy ban châu Âu miễn cưỡng ủng hộ chính sách này vào tháng 5.

Các nguồn tin được RFM trích dẫn cho biết, chính quyền Ba Lan lo ngại về khả năng trả đũa đơn phương của các quốc gia như Đức - có thể sẽ được áp đặt nhanh hơn so với phản ứng tương đương của Ủy ban châu Âu.

Romania không muốn đối đầu, một nguồn tin cho hay. Nếu các quốc gia có biên giới khác lùi bước và chỉ Ba Lan và Hungary áp dụng lại lệnh cấm, EU sẽ không có động thái đáp trả nào - theo đài RFM.

Năm quốc gia cũng tham gia vào các cuộc đàm phán với Ủy ban châu Âu và Ukraina về các khoản trợ cấp có thể có của EU đối với việc vận chuyển ngũ cốc. Brussels được cho là có thể trợ cấp tới 30 euro (32 USD) cho mỗi tấn ngũ cốc để tăng lợi nhuận xuất khẩu của Ukraina.

Biện pháp được đề xuất nhằm mục đích duy trì lợi nhuận xuất khẩu của Ukraina bất chấp chi phí vận chuyển tăng. Ba Lan và các đồng minh đang tìm cách ràng buộc các khoản trợ cấp với việc tiếp tục hạn chế nhập khẩu.

Năm ngoái, EU dỡ bỏ thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với các sản phẩm của Ukraina để hỗ trợ nước này trong cuộc xung đột với Nga. Hậu quả là ngũ cốc giá rẻ đã gây ra tình trạng hỗn loạn ở các thị trường Đông Âu và gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ của nông dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn