MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sóng lớn đập vào bờ trước khi bão Gaemi đổ bộ vào Phúc Kiến, Trung Quốc,ngày 25.7.2024. Ảnh: Xinhua

Mùa bão 2024 mới bắt đầu đã lập nhiều kỷ lục lịch sử

Khánh Minh LDO | 26/07/2024 14:41

Mùa bão 2024 chỉ mới vừa bắt đầu nhưng đã lập nhiều kỷ lục như có siêu bão sớm nhất, mạnh nhất đầu mùa.

Bão Beryl trở thành siêu bão sớm nhất hình thành vào đầu tháng 7, và cũng là siêu bão tháng 7 mạnh nhất được ghi nhận ở Đại Tây Dương, với sức gió 265 km/h.

Các dự báo bão cho thấy, mùa bão Đại Tây Dương năm nay bận rộn hơn bình thường trong khi khu vực dễ xảy ra bão ở Thái Bình Dương lại yên tĩnh hơn.

Vào ngày 3.7, lần đầu tiên kể từ khi kỷ nguyên vệ tinh bắt đầu vào năm 1966, toàn bộ phía bắc Thái Bình Dương không có cơn bão được đặt tên nào trong khoảng thời gian từ ngày 1.6 đến ngày 3.7 - Phil Klotzbach, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Đại học bang Colorado (Mỹ) cho biết.

Theo ông Klotzbach, cùng một hiện tượng - nhiệt độ nước ấm điên cuồng trên khắp Bắc Đại Tây Dương - đang ảnh hưởng đến hoạt động của bão ở cả hai đại dương.

Bão Beryl sau khi đổ bộ vào Texas, Mỹ, ngày 8.7.2024. Ảnh: NASA

Các nhà khoa học so sánh hoạt động của mùa bão thông qua một chỉ số được gọi là năng lượng xoáy tích lũy. Chỉ số này tính toán tổng năng lượng của một mùa bão theo tần suất của các cơn bão và tốc độ gió tối đa của mỗi cơn bão trong suốt vòng đời của nó.

Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử được ghi nhận, Đại Tây Dương tạo ra nhiều năng lượng xoáy thuận tích lũy hơn cho đến ngày 9.7 so với toàn bộ Thái Bình Dương.

Ở cực tây Thái Bình Dương, đây là "một trong những khởi đầu chậm nhất của mùa bão nhiệt đới" - Landon Aydlett, nhà khí tượng học của Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) tại Guam cho hay.

Phía tây của Bắc Thái Bình Dương chỉ có một cơn bão vào tháng 5 và đây là lần thứ hai kể từ năm 1950 khu vực này không có cơn bão từ ngày 1.6 đến ngày 15.7. Lần trước đó là năm 1975.

Ở phía đông của Bắc Thái Bình Dương, bão Aletta hình thành ngày 4.7, cách Mexico 320 km về phía tây, là sự khởi đầu muộn nhất của mùa bão được ghi nhận tại khu vực bão này, phá vỡ kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 1969.

Nhưng các cơn bão đã tăng tốc trong tuần này. Cơn bão số 3 của mùa bão 2024 ở Thái Bình Dương - siêu bão Gaemi - đổ bộ lần thứ hai vào Trung Quốc tối 25.7 sau khi đã càn quét Philippines và Đài Loan (Trung Quốc).

Ngập lụt nặng ở Manila, Philippines ngày 24.7.2024 do bão Gaemi. Ảnh: AFP

Trước đó, bão số 2 Prapiroon giật cấp 13 đã gây mưa to, gió lớn ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam.

Klotzbach cho biết, có một số yếu tố đang diễn ra ở Thái Bình Dương vào mùa hè này, bao gồm việc thiếu rãnh gió mùa mạnh ở phía tây của Bắc Thái Bình Dương và quá nhiều gió đứt ở phía đông của Bắc Thái Bình Dương.

Trong khi đó, nhiệt độ nước ở vùng Đại Tây Dương nhiệt đới tăng đột biến từ tháng 3 đến tháng 6.2023 và vẫn duy trì ở mức gần hoặc ở mức ấm kỷ lục kể từ đó. Nhờ các kiểu gió toàn cầu, những gì xảy ra ở một địa điểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến những gì xảy ra ở một địa điểm khác.

Đại Tây Dương và Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng của ba giai đoạn thời tiết được gọi là El Nino - Dao động phương Nam (ENSO). Chúng bao gồm El Nino, La Nina và giai đoạn trung tính.

El Nino thường tạo điều kiện cho nhiều bão hơn ở Thái Bình Dương và ít bão hơn ở Đại Tây Dương.

Nhiệt độ nóng hơn ở Đại Tây Dương cũng tạo điều kiện cho chuyển động chìm ở phía đông Thái Bình Dương và gió đông tầng trên ở cả hai đại dương.

Ở Đại Tây Dương, kiểu gió này làm giảm độ đứt gió tây, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc hình thành bão. Ở phía đông của Bắc Thái Bình Dương, những cơn gió đông làm tăng sức cắt gió khiến bão trở nên mạnh hơn.

Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân khiến vùng nước ở Đại Tây Dương ấm bất thường chủ yếu là do áp suất cao cận nhiệt đới yếu hơn bình thường dẫn đến gió mậu dịch yếu hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn