MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mưa bão, lũ lụt: Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nhất năm 2021

Song Minh LDO | 31/10/2021 09:40

Mưa bão, lũ lụt là hai trong số các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nhất thế giới trong năm 2021, gây thiệt hại lớn về người và của.

Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng mức độ nghiêm trọng cũng như tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan, đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trong 50 năm qua. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt cũng dẫn đến sự gia tăng các thảm họa thiên nhiên từ năm 1970 đến năm 2019. Hơn 91% số người chết do những thảm họa này được báo cáo ở các nước đang phát triển.

Các quốc gia giàu có cũng đang phải trải qua những tác động trước mắt của các hiện tượng thời tiết bất thường. Sau cơn bão Ida ở Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo rằng thời tiết khắc nghiệt như vậy sẽ khiến Mỹ thiệt hại hơn 100 tỉ USD trong năm 2021.

Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc hồi tháng 8 kết luận rằng hoạt động của con người “rõ ràng” gây ra biến đổi khí hậu và cần “giảm bền vững” lượng khí nhà kính để quản lý những tác động tồi tệ nhất của việc tăng nhiệt độ.

Tờ The Week điểm lại 10 sự kiện thời tiết khắc nghiệt nhất năm 2021 tính đến nay.

Tuyết rơi kỷ lục ở Madrid, Tây Ban Nha

Trong những tuần đầu tiên của năm 2021, cơn bão Filomena đã mang đến lượng tuyết kỷ lục cho thủ đô Madrid và các công dân Tây Ban Nha cao tuổi được cảnh báo phải ở nhà khi nhiệt độ giảm mạnh. Trận tuyết lớn nhất trong 50 năm đã khiến giao thông ra vào thành phố bế tắc, gây thiệt hại khoảng 1,4 tỉ euro (1,6 tỉ USD)

Bão mùa đông ở Texas, Mỹ

3,5 triệu cơ sở kinh doanh và nhà cửa không có điện trong tháng Hai khi nhiệt độ xuống -13 ℃ ở một số khu vực của Texas, Mỹ. Điện bị mất trên toàn bang, khiến nhiều người dễ bị tổn thương trong điều kiện cực kỳ lạnh giá. Tổng số người chết đã tăng từ 151 lên 210 người vào tháng 7, sau quyết định tính cả số người chết do sự cố lưới điện của bang vào con số cuối cùng.

Bão cát ở Trung Quốc

This browser does not support the video element.

Bão cát ở Trung Quốc. Video: Xinhua

Trận bão cát được xem là tồi tệ nhất trong một thập kỷ ở Trung Quốc khiến các chuyến bay phải "đắp chiếu" và các trường học phải đóng cửa. Bão cát đem theo lượng bụi khổng lồ. Các hạt cực nhỏ di chuyển xa hơn rất nhiều so với cát, và gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu chúng bị hút sâu vào phổi. Tại Bắc Kinh, bầu trời trở thành màu cam do khói bụi và ô nhiễm khiến chất lượng không khí trở nên nguy hiểm.

Lũ lụt ở New South Wales, Australia

Vào tháng 3, người dân Sydney và New South Wales (NSW) đã cảm nhận được ảnh hưởng của lũ lụt nghiêm trọng. Dịch vụ Khẩn cấp Bang NSW (SES) kêu gọi người dân chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần khi những trận mưa như trút khiến các con sông và đập tràn bờ, hàng nghìn người phải sơ tán khỏi nhà.

Bão Seroja ở Indonesia

Vào tháng 4, 160 người đã chết ở Indonesia sau khi một cơn bão nhiệt đới tấn công một cụm đảo xa xôi. Lở đất và lũ quét đã khiến ít nhất 22.000 người phải di tản.

Sau khi đổ bộ Indonesia, bão di chuyển đến Tây Australia vài ngày sau đó. Cư dân ở thị trấn Kalbarri, phía bắc Perth, cho biết cơn bão có sức mạnh kinh hoàng. Thủ hiến Tây Australia thừa nhận, chưa từng thấy cơn bão nào khủng khiếp như bão Seroja trong nhiều thập kỷ.

Nhiệt độ kỷ lục ở Mátxcơva, Nga

Khi nhiệt độ lên tới 34,8 độ C ở Mátxcơva, kỷ lục tuyệt đối cho bất kỳ ngày nào trong tháng 6 đã bị phá vỡ, theo tờ The Moscow Times. Nhiệt độ bất thường của đợt nắng nóng kỷ lục không chỉ được ghi nhận ở thủ đô; mà Penza, Vologda và Petrozavodsk cũng phá kỷ lục nhiệt độ trong tháng 6.

Cháy rừng ở Oregon, Mỹ

BBC đưa tin vào tháng 7 rằng “mùa cháy rừng ở Mỹ khởi đầu nặng nề hơn bình thường”, chứng kiến ​​“một trong những vụ cháy lớn nhất trong lịch sử của Oregon” đã thiêu rụi 364.000 mẫu đất.

Hơn 2.000 lính cứu hỏa mất hơn 1 tháng để ngăn chặn đám cháy rừng. Ngọn lửa “tạo ra hệ thống thời tiết của riêng nó”, hàng nghìn ngôi nhà bị đe dọa, khiến người dân phải tạm trú tại các trung tâm sơ tán trong bang.

Lũ lụt ở Tây Đức

Lũ lụt đã phá hủy nhà cửa và cầu dọc sông Ahr vào tháng 7, trong khi ở làng Schuld của Đức, nước nhấn chìm đường phố và nuốt chửng nhà cửa. Chính phủ Đức đã phê duyệt gói phục hồi trị giá 400 triệu Euro để cứu trợ người dân, đồng thời tiến hành xây dựng lại các khu vực bị ảnh hưởng.

Một nghiên cứu của World Weather Attribution cho thấy sự kiện này có khả năng xảy ra vào năm 2021 cao hơn từ 1,2 đến 9 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Lũ lụt ở Trung Quốc

Hơn 300 người chết khi tỉnh Hà Nam của Trung Quốc chìm trong lũ lụt kinh hoàng vào tháng 7. Mười hai người đã mất mạng trong một chuyến tàu điện ngầm ở Trịnh Châu, những người sống sót mô tả nước tràn qua cửa toa tàu, dâng cao đến ngực hành khách gây nghẹt thở. Mặc dù Trung Quốc thường hứng chịu lũ lụt trong những tháng mùa hè, nhưng sự kiện năm nay trầm trọng hơn do đô thị hóa nhanh chóng, chuyển đổi đất canh tác và cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ, cũng như các hệ thống giảm thiểu lũ lụt quá tải.

Bão Ida ở Mỹ

Hơn một triệu ngôi nhà và cơ sở kinh doanh không có điện ở các bang Louisiana và Mississippi miền nam Mỹ sau khi cơn bão Ida đổ bộ vào ngày 29.8, đúng dịp kỷ niệm 16 năm cơn bão Katrina. Ida tấn công với sức gió mạnh nhất đạt 241km/h. Sau đó bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và chuyển từ bão cấp bốn sang cấp một.

Sky News cho biết: “Katrina đã đi theo một quỹ đạo tương tự. Trong những ngày tiếp theo, bão Ida di chuyển lên bờ biển phía đông bắc nước Mỹ. Các ga tàu điện ngầm và đường sá bị ngập lụt ở New York. Bão đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 9 người - trong đó có một cậu bé hai tuổi. Đối với các cộng đồng ở New Orleans, Ida mang đến "những lời nhắc nhở đau đớn về cái chết và sự tàn phá" do cơn bão Katrina năm 2006 khiến hơn 1.800 người thiệt mạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn