MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mưa sao băng Lyrid ở Anh, tháng 4.2021. Ảnh: AFP

Mưa sao băng chưa từng thấy sắp xuất hiện trên Trái đất

Song Minh LDO | 11/05/2021 13:50
Mưa sao băng "Finlay-id" sẽ xuất hiện lần đầu tiên trên Trái đất trong năm nay.

Trang Space đưa tin, một trận mưa sao băng chưa từng thấy trước đây sẽ rải những mảnh bụi sao chổi nhỏ lên trên các vùng cực nam của Trái đất trong một thời gian ngắn vào cuối năm nay.

Mưa sao băng "Finlay-id" sẽ xuất hiện ở các vĩ độ nam và kéo dài khoảng 10 ngày vào mùa thu năm nay. "Điều đó khiến nó không chỉ là một trận mưa sao băng thú vị mà còn là một trận mưa sao băng rất khó quan sát" - Diego Janches, nhà nghiên cứu vật lý thiên văn của NASA ở Greenbelt, bang Maryland, nói.

Janches cho rằng, trận mưa sẽ phát ra từ chòm sao Ara (Thiên Đàn), nhưng bức xạ chính xác của nó - điểm bắt nguồn của các thiên thạch - vẫn chưa rõ ràng vì đây là một sự kiện hoàn toàn mới. Các dự đoán cho thấy mưa sao băng Finlay-id có thể bắt đầu vào khoảng cuối tháng 9 và đạt đỉnh vào ngày 7.10.

Sao băng, hay sao sa, là đường nhìn thấy của các thiên thạch khi chúng đi vào khí quyển Trái đất hoặc của các thiên thể khác có bầu khí quyển. Trên Trái đất, việc nhìn thấy đường chuyển động của các thiên thạch này là do nhiệt phát sinh ra bởi áp suất nén khi chúng đi vào khí quyển.

Khi thiên thạch chuyển động với vận tốc siêu thanh, nó sinh ra các sóng xung kích, do nó "va chạm" với các "hạt" của khí quyển và nén chúng nhanh hơn so với chúng có thể giãn ra khỏi đường chuyển động của thiên thạch.

Với vận tốc cao như vậy, các phân tử không khí trên đường đi của thiên thạch bị nung nóng bởi sóng xung kích, hoặc bị nén quá mạnh đến mức nhiệt độ của sóng xung kích tăng lên đến hàng nghìn độ và làm cho các thành phần vật chất của thiên thạch bị nung đến nóng sáng.

Các trận mưa sao băng lớn như Perseid và Geminid thường xảy ra hàng năm. Tuy nhiên, theo Janches, mưa sao băng Finlay-id có lẽ là sự kiện chỉ xảy ra một lần, và nếu nó xảy ra nhiều lần, nó vẫn sẽ không xảy ra hàng năm.

Mưa sao băng mới được đặt tên từ sao chổi 15P/Finlay rộng khoảng 2 km. Có thể những mảnh bụi ẩn giấu từ sao chổi Finlay sẽ va chạm vào Trái đất trong nhiều năm tới, nhưng các nhà thiên văn học vẫn không chắc chắn về điều này.

Với trận mưa sao băng này, đừng mong đợi sẽ nhìn thấy cả trời sao băng cùng một lúc. Janches nói: “Đây sẽ là một trận mưa sao băng khó quan sát, vì các sao băng đi rất chậm".

Để ngắm mưa sao băng Finlay-id cần một công cụ có khả năng phát hiện các hạt có kích thước bằng hạt cát và di chuyển chậm khi chúng xâm nhập vào bầu khí quyển của Trái đất.

Ngoài ra, người xem cũng cần phải ở xa về phía nam, như Nam Phi hoặc New Zealand, nhưng Janches cho rằng công cụ quan sát của ông đặt ở Trạm Thiên văn Rio Grande (EARG) phía nam Argentina, là vị trí tốt nhất để ngắm mưa sao băng Finlay-id.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn