MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Máy bay ném bom chiến lược B1-B Lancer của Không quân Mỹ. Ảnh: US Air Force

Mỹ bất ngờ đình chỉ toàn bộ máy bay ném bom B-1B vô thời hạn

Khánh Minh LDO | 25/04/2021 17:22
Không quân Mỹ rút toàn bộ phi đội máy bay ném bom chiến lược B-1B khỏi bầu trời.

Tờ Air Force Times đưa tin, Tướng Tim Ray - người đứng đầu Bộ chỉ huy các cuộc tấn công toàn cầu của Không quân Mỹ - đã cho hạ cánh vô thời hạn 57 chiếc B1-B Lancer đang hoạt động do các vấn đề kỹ thuật được xác định trong hệ thống nhiên liệu của một chiếc máy bay loại này.

Quyết định tạm dừng các chuyến bay được đưa ra vào ngày 20.4 - một phát ngôn viên Bộ chỉ huy các cuộc tấn công toàn cầu của Không quân Mỹ cho hay.

Theo ghi nhận, vào đầu tháng 4, sau vụ hạ cánh khẩn cấp của chiếc máy bay B-1B mang số hiệu 86-0104 tại căn cứ không quân Ellsworth ở Nam Dakota, người ta đã phát hiện vết rò rỉ nghiêm trọng trong ống bơm nhiên liệu.

"Chỉ huy đã ra quyết định tiến hành khảo sát kỹ thuật và bảo trì dự phòng cho toàn bộ phi đội máy bay ném bom 57 chiếc để giải quyết vấn đề này” - người phát ngôn nhấn mạnh.

Theo người phát ngôn, một khi máy bay được phát hiện là không có khiếm khuyết, nó sẽ được lắp ráp lại, kiểm tra áp suất và đưa trở lại hoạt động.

Không quân Mỹ từ chối trả lời liệu các vấn đề khác ngoài vấn đề bơm nhiên liệu có được phát hiện khi xem xét kỹ hơn hay không.

“Chúng tôi đang điều tra kỹ lưỡng vấn đề này. Các chuyên gia bảo trì và vận hành đang xem xét tất cả các khía cạnh của sự cố" - phát ngôn viên Không quân Mỹ cho hay.

B-1 Lancer là máy bay ném bom hạng nặng siêu thanh cánh cụp cánh xoè của Không quân Mỹ, sử dụng 4 động cơ phản lực General Electric F101-GE-102, tốc độ bay tối đa lên đến 1.448 km/h (Mach 1,25), có khả năng mang tên lửa hành trình AGM-86B và tên lửa tấn công tầm ngắn AGM-69 cùng nhiều loại bom khác.

Phiên bản B-1A được phát triển vào đầu năm 1970, nó được dự kiến sẽ đạt vận tốc Mach 2 ở độ cao lớn, vì vậy phần vỏ của nó phải làm bằng hợp kim titan và do đó làm giá thành tăng lên tới 70 triệu USD theo thời giá năm 1975 (tương đương gần 500 triệu USD thời giá năm 2020). Mặt khác, hợp kim titan khi đó chỉ có duy nhất một nước chế tạo được là Liên Xô, cũng có nghĩa là Mỹ phải nhập khẩu nguyên liệu chế tạo từ Liên Xô, và nếu xảy ra chiến tranh giữa hai bên thì Mỹ sẽ không thể chế tạo tiếp B-1A. Do vậy, việc sản xuất hàng loạt B-1A đã bị hủy bỏ và chỉ có bốn nguyên mẫu được chế tạo.

B-1B đã được phê duyệt và bắt đầu phục vụ trong Không quân Mỹ vào năm 1986 như là một kiểu máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tốc độ cao. Vào những năm 1990, nó đã được chuyển đổi sang sử dụng ném bom thông thường.

B-1 được sử dụng trong chiến đấu lần đầu tiên năm 1998 trong Chiến dịch Cáo sa mạc. Nó tiếp tục hỗ trợ Không quân Mỹ và NATO ở Afghanistan và Iraq.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn