MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một người đổ xăng tại cây xăng ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 8.3.2022. Ảnh: AFP

Mỹ cấm vận dầu và khí đốt của Nga, giá khí đốt ở Mỹ tăng vọt

Thanh Hà LDO | 10/03/2022 07:52

Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo ngày 8.3 về lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Các biện pháp với xuất khẩu dầu của Nga có thể khiến giá dầu và giá xăng tăng cao hơn bao giờ hết ở cả Mỹ và Châu Âu, tác động tới người tiêu dùng, doanh nghiệp, thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.

Động thái của Mỹ và Châu Âu

"Dầu của Nga sẽ không còn được chấp nhận tại các cảng của Mỹ" - ông Joe Biden thông báo từ Nhà Trắng. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, nước này cũng cấm nhập khẩu khí đốt và các nguồn năng lượng khác từ Nga.

Mỹ và các đồng minh ở Châu Âu đã tung ra một làn sóng trừng phạt Nga sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina nhưng tới nay hầu như tránh nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Nga do lo ngại việc hạn chế bán dầu có thể khiến giá dầu thô tăng đột biến trên toàn cầu. Giá dầu đã tăng 58% kể từ đầu năm và lên tới gần 140 USD/thùng hôm 7.3.

Một số quan chức chính phủ phương Tây đang thúc đẩy G7 cùng nhau giúp các quốc gia Châu Âu dần dần ngừng phụ thuộc vào dầu khí của Nga. Điều này bao gồm việc giúp các quốc gia xây dựng thêm các thiết bị đầu cuối LNG, định tuyến lại việc giao hàng từ các quốc gia khác và làm việc với các quốc gia ở Trung Đông để tăng sản lượng. Tuy nhiên, các quan chức tin rằng sự thay đổi này cần vài năm mới phát huy hiệu quả do mức độ phụ thuộc cao, các hợp đồng khí đốt dài hạn mà các nhà xuất khẩu đã ký.

Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, chịu trách nhiệm về hơn 10% nguồn cung toàn cầu, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Các nhà phân tích cho hay, xuất khẩu dầu của Nga chiếm 7% thị trường thế giới, một nửa trong số đó đi vào Châu Âu. Sự phụ thuộc của Châu Âu vào dầu của Nga khiến bất kỳ quyết định nào về việc cấm nhập khẩu của Nga trên lục địa này trở nên đặc biệt phức tạp. 

Mặc dù Mỹ là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới nhưng vẫn nhập khẩu hàng triệu thùng mỗi ngày từ các khu vực khác trên thế giới vì Mỹ tiêu thụ nhiều dầu hơn nhiều so với khai thác trong nước. Dầu của Nga chiếm một tỉ trọng nhỏ trong lượng dầu thô mà Mỹ nhập khẩu. Phần lớn dầu thô Mỹ nhập khẩu từ Canada, Mexico và Saudi Arabia.

Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, khoảng 8% nhập khẩu dầu và các sản phẩm tinh chế của Mỹ, tương đương khoảng 672.000 thùng/ngày, đến từ Nga trong năm ngoái. Trong đó, dầu thô của Nga chiếm khoảng 3% lượng nhập khẩu của cả nước, khoảng 200.000 thùng/ngày.

Những tác động

Theo CBS News, các chuyên gia dự đoán trong ngắn hạn, việc Mỹ cấm nhập khẩu dầu của Nga sẽ khiến giá khí đốt ở Mỹ tăng vọt. “Chúng tôi nghĩ rằng lệnh cấm hoàn toàn với nhập khẩu năng lượng của Nga sẽ khiến giá dầu thô Brent và khí đốt tự nhiên của Châu Âu tăng lên 160 USD/thùng" - các nhà kinh tế tại Capital Economics nhận định. Mức giá này sẽ vượt kỷ lục mọi thời đại là 147 USD/thùng đã ghi nhận mùa hè năm 2008 và khiến giá khí đốt trung bình ở Mỹ lên trên 5 USD/gallon.

Clayton Allen, Giám đốc điều hành về Mỹ tại Eurasia Group, một tổ chức nghiên cứu rủi ro chính trị, nhận định, với các lệnh trừng phạt, "giá năng lượng của Mỹ sẽ phải tăng, đó có thể là mức tăng trong ngắn hạn".  Để hạn chế tác động của giá cao hơn, Mỹ và các đối tác quốc tế đang giải phóng dầu từ nguồn dự trữ. Trong lịch sử, mỗi khi Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SRP) của Mỹ được mở, giá khí đốt sẽ giảm trong 2-3 tuần, theo chuyên gia Allen. “Nếu bạn lo ngại giá khí đốt là 5 USD, một đợt mở kho SRP sẽ không kéo khí đốt trở lại mức 3,50 USD, nhưng nó sẽ ngăn thị trường dầu sôi sục như những năm 1970” - ông nói. 

Về tác động của lệnh cấm nhập khẩu dầu của Mỹ với Nga, theo SCMP, có thể sẽ ở mức tối thiểu. Mỹ chỉ nhập khẩu một phần nhỏ xuất khẩu dầu của Nga và không mua bất kỳ khí tự nhiên nào của nước này. Do lượng dầu mà Mỹ nhập từ Nga khiêm tốn, nên Nga có thể bán dầu ở nơi khác, có thể là ở Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Tuy nhiên, Nga có thể sẽ phải bán với mức chiết khấu cao vì ngày càng ít người mua chấp nhận dầu của Nga.

Claudio Galimberti, Phó Chủ tịch cấp cao về phân tích của Rystad Energy, nhận định, nếu cuối cùng Nga bị đóng cửa khỏi thị trường toàn cầu, các quốc gia như Iran và Venezuela có thể được hoan nghênh trở lại trong vai trò nhà cung cấp dầu. Những nguồn bổ sung như vậy có thể có khả năng ổn định giá cả. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, một nhóm quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden đã có mặt ở Venezuela vào cuối tuần qua để thảo luận về năng lượng và các vấn đề khác. Venezuela đã bị cấm bán dầu cho Mỹ kể từ thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn