MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell. Ảnh: CSIS

Mỹ cáo buộc Trung Quốc chà đạp lợi ích của các nước ven Biển Đông

Ngọc Vân LDO | 15/07/2020 16:23

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Trung Quốc chà đạp lợi ích của các nước ven Biển Đông bằng những hành vi hăm doạ và cưỡng ép, bất chấp luật pháp quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến về Biển Đông hôm 14.7 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, ông David Stilwell, cho rằng, trong khi thế giới tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Trung Quốc lại tăng cường chiến dịch áp đặt tư tưởng “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông.

"Bắc Kinh đang hành động để làm suy yếu quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển và ngăn cản họ tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi - là tài nguyên thuộc về các quốc gia đó, không thuộc về Trung Quốc. Bắc Kinh muốn thay thế luật pháp quốc tế bằng sự hăm doạ và cưỡng ép" - ông Stilwell nói.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ lấy ví dụ cụ thể, chẳng hạn như Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, cử đội tàu vũ trang để quấy rối hoạt động thăm dò năng lượng ngoài khơi của Malaysia và đưa lực lượng dân quân biển bao vây các tiền đồn của Philippines. Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa, công bố lệnh cấm đánh cá đơn phương, tiến hành tập trận quân sự, tăng cường sử dụng đảo nhân tạo làm căn cứ cho các hoạt động quấy rối nhằm hạn chế sự tiếp cận của các quốc gia ven biển Đông Nam Á đối với dầu mỏ, khí đốt và thủy sản.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, bằng yêu sách “chủ quyền không thể chối cãi” áp đặt trên một khu vực rộng lớn hơn Địa Trung Hải và chà đạp quyền lợi của người khác, Trung Quốc đang đe dọa trật tự hiện có vốn đã mang lại cho Châu Á nhiều thập kỷ thịnh vượng. Trật tự đó dựa trên sự tự do và rộng mở, những ý tưởng mà Bắc Kinh phản đối.

Gần 4 nghìn tỉ USD thương mại đi qua Biển Đông mỗi năm, trong đó hơn 1 nghìn tỉ USD liên kết với thị trường Mỹ. Biển Đông là nơi có trữ lượng dầu khí ước tính trị giá 2,6 nghìn tỉ USD. Đây cũng là một trong những ngư trường lớn nhất thế giới. Những tài nguyên này là nguồn sống và sinh kế của hàng triệu người dân các nước Đông Nam Á, là gia tài của các thế hệ con cháu đời sau.

“Hành vi của Bắc Kinh là một cuộc tấn công vào người dân Đông Nam Á ngày nay và từ thế hệ này sang thế hệ khác” - ông Stilwell nhấn mạnh.

Tuần này đánh dấu kỷ niệm 4 năm phán quyết Toà Trọng tài thường trực (PCA) trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc. Phán quyết của Toà nêu rõ, yêu sách “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết, mặc dù có nghĩa vụ tuân thủ nó như một bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. 

"Ngày nay, chúng ta đang nghe thấy ngày càng nhiều tiếng nói chống lại sự hung hăng và chủ nghĩa đơn phương của Bắc Kinh. Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN trong hội nghị cấp cao tháng trước, nhấn mạnh rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS" - ông Stilwell nói.

Thế giới cũng đang lên tiếng và hành động, và cùng chung nhận thức rằng những hành động của Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất đối với tự do hàng hải ở bất cứ nơi nào trên hành tinh.

Các vấn đề Biển Đông có liên quan trực tiếp đến tương lai của Bắc Cực, Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải và các tuyến đường thủy quan trọng khác.

Những gì đang bị đe dọa ở Biển Đông có tác động trực tiếp đến mọi quốc gia và những người sống dựa vào tự do đi lại trên biển và tự do thương mại hàng hải để đảm bảo sự thịnh vượng của quốc gia họ - ông Stilwell nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn