MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỹ, Anh và Australia thiết lập quan hệ đối tác an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong đó Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia. Ảnh: AFP

Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia

Thanh Hà LDO | 16/09/2021 08:06
Mỹ chia sẻ cho Australia công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân - công nghệ cực kỳ nhạy cảm mà Washington chỉ từng chia sẻ một lần trước đó với London. 

Reuters đưa tin, Mỹ, Anh và Australia cho biết sẽ thiết lập quan hệ đối tác an ninh cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày 15.8.

Thông báo của Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison, nêu rõ, Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và khả năng triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh, Australia sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân mà sử dụng hệ thống đẩy hạt nhân cho các tàu ngầm để phục vụ đề phòng các mối đe dọa trong tương lai. 

Thủ tướng Scott Morrison nói rằng, tàu ngầm sẽ được đóng ở Adelaide với sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Anh. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp ứng tất cả các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân của mình" - Thủ tướng Australia khẳng định. 

Thủ tướng Anh gọi đây việc Australia có được công nghệ này là một quyết định quan trọng sẽ làm cho thế giới an toàn hơn. 

Hình ảnh tàu ngầm lớp Astute HMS Artful của Hải quân Hoàng gia Anh. Trước Australia, Mỹ chỉ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Anh. Ảnh: AFP

Theo các quan chức Mỹ, động cơ hạt nhân sẽ cho phép hải quân Australia hoạt động yên tĩnh hơn, trong thời gian dài hơn và cung cấp khả năng răn đe khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mối quan hệ đối tác 3 bên này, được gọi là AUKUS, cũng sẽ bao gồm hợp tác trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử.

Theo truyền thông Australia, mối quan hệ hợp tác 3 bên với Anh và Mỹ dường như sẽ đặt dấu chấm hết việc đàm phán của Australia với tập đoàn đóng tàu Pháp Naval Group trong việc xây dựng hạm đội tàu ngầm mới trị giá 40 tỉ USD thay thế các tàu ngầm Collins hiện có đã tồn tại hơn 2 thập kỷ. 

Tổng thống Joe Biden nói rằng, các chính phủ sẽ khởi động thời gian tham vấn kéo dài 18 tháng, "để xác định mọi yếu tố của chương trình này, từ lực lượng lao động, yêu cầu đào tạo đến tiến trình sản xuất" và để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Reuters lưu ý, thỏa thuận chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và một số công ty có thể hưởng lợi là General Dynamics Corp và Huntington Ingalls Industries Inc.

Anh cho biết, chương trình kéo dài 18 tháng sẽ tính toán chi tiết về công việc của từng quốc gia và công ty với mục tiêu chuyển giao chiếc tàu ngầm đầu tiên càng nhanh càng tốt. 

Giới chức Mỹ không nêu khung thời gian Australia sẽ triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc bao nhiêu tàu ngầm sẽ được chế tạo. Các quan chức lưu ý Australia không có bất kỳ cơ sở hạ tầng hạt nhân nào nên sẽ cần nỗ lực bền vững trong nhiều năm. 

Một quan chức Mỹ tiết lộ, thông báo này là kết quả của nhiều tháng tiếp xúc giữa các chỉ huy quân sự và giới lãnh đạo chính trị các bên, trong đó Anh - nước gần đây đã gửi một tàu sân bay đến Châu Á - bày tỏ mong muốn làm nhiều hơn nữa trong khu vực.

Từ trước tới nay, Washington chỉ chia sẻ công nghệ đẩy hạt nhân 1 lần trước cho London vào năm 1958. "Công nghệ này cực kỳ nhạy cảm. Thành thật mà nói, đây là một ngoại lệ đối với chính sách của chúng tôi ở nhiều khía cạnh. Tôi không dự đoán rằng điều này sẽ xảy ra với các trường hợp khác về sau. Chúng tôi xem đây là một lần duy nhất" - quan chức Mỹ chia sẻ với Reuters. 

Nguồn tin nói thêm, động thái này được thực hiện như một phần của "loạt bước tiến lớn hơn" trong khu vực của chính quyền Tổng thống Joe Biden, bao gồm quan hệ đối tác song phương mạnh mẽ hơn với các đồng minh lâu dài Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines, và các cam kết mạnh mẽ hơn với các đối tác mới trong khu vực. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn