MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tính đến ngày 31.3.2020, Mỹ có gần 35.000 binh sĩ đóng quân ở Đức. Ảnh: AFP

Mỹ định rút quân khỏi Đức, mối quan hệ đồng minh thêm căng thẳng

Song Minh LDO | 08/06/2020 06:35

Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo Lầu Năm Góc giảm mạnh số binh sĩ Mỹ đóng quân tại Đức, nơi mà sự hiện diện lớn lực lượng quân sự Mỹ từng là biểu tượng cho cam kết của Washington trong việc bảo vệ các đồng minh Châu Âu. Động thái này khiến mối quan hệ giữa 2 nước đồng minh thêm căng thẳng.

Kế hoạch rút gần 10.000 quân

Nhà Trắng không xác nhận kế hoạch được tờ Wall Street Journal đưa tin đầu tiên hôm 5.6, nhưng các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức quen thuộc với tình hình cho biết ông Donald Trump sẽ giới hạn sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Đức ở mức 25.000 sau khi giảm gần 30%, tương đương khoảng 9.700 binh sĩ.

Tính đến ngày 31.3, Mỹ có 34.674 binh sĩ đóng quân ở Đức, bao gồm 20.774 của lục quân và 12.980 của không quân - tờ Politico dẫn báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc cho hay.

Việc cắt giảm quân số sẽ đảo ngược việc gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Châu Âu dưới thời chính quyền ông Donald Trump - mà Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ mọi ý kiến cho rằng cam kết của Mỹ đối với liên minh có thể bị lung lay dưới thời tổng thống từng gọi NATO là “lỗi thời” và nhiều lần chỉ trích các đồng minh vì đã không đóng góp đủ ngân sách quân sự.

Không có dấu hiệu nào cho thấy các quan chức NATO được thông báo về kế hoạch rút quân của ông Donald Trump. Trong những tháng gần đây, Tổng thống Mỹ thỉnh thoảng khiến các đồng minh bất ngờ với những hành động quân sự đơn phương, bao gồm cả việc rút quân đột ngột khỏi miền bắc Syria, gây ra bất ổn trong khu vực, và bất ngờ tiêu diệt tướng Iran Qassem Soleimani - khiến NATO buộc phải đình chỉ nhiệm vụ huấn luyện ở Iraq vì sợ bị trả thù.

Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, John Ullyot, đưa ra tuyên bố không xác nhận cũng không phủ nhận kế hoạch rút quân. “Chúng tôi không có thông báo nào vào thời điểm này. Với tư cách là tổng tư lệnh, Tổng thống Donald Trump liên tục đánh giá lại tình hình tốt nhất cho các lực lượng quân sự Mỹ và sự hiện diện của chúng tôi ở nước ngoài. Mỹ vẫn cam kết hợp tác với nước Đức đồng minh mạnh mẽ để đảm bảo phòng thủ chung, cũng như trong nhiều vấn đề quan trọng khác” - ông Ullyot nói.

Căng thẳng quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Thông tin Nhà Trắng đẩy mạnh việc rút quân được đưa ra khi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Đức đang căng thẳng như bất cứ lúc nào trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump, và chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối lời mời của nhà lãnh đạo Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Washington vào cuối tháng này.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết việc rút quân là kết quả sau nhiều tháng làm việc của Tướng Mark Milley - Chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân - và không liên quan gì đến căng thẳng giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Angela Merkel. 

Hai nhà lãnh đạo này chưa bao giờ có mối quan hệ tốt: Ông Donald Trump chỉ trích cách xử lý chính sách di cư và tị nạn của bà Angela Merkel, cũng như dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2. Về phần mình, Đức phản đối mạnh hơn hầu hết đồng minh NATO nào khác chống lại sự chỉ trích của ông Donald Trump về chi tiêu quân sự, lưu ý rằng tất cả các đồng minh đều làm việc theo các mục tiêu chi tiêu đã thỏa thuận trước đó, và cũng nhấn mạnh rằng đóng góp cho NATO có thể được tính theo những cách khác, đặc biệt về mặt hỗ trợ hoạt động.

Trả lời phỏng vấn tờ Bild am Sonntag của Đức, Ngoại trưởng Heiko Mass “lấy làm tiếc” về kế hoạch rút quân của Mỹ và nói rằng mối quan hệ giữa Đức và Mỹ là “phức tạp”. “Chúng tôi đã biết về thông tin rút một phần quân đội Mỹ. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác với các lực lượng Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Đó là vì lợi ích của cả hai nước chúng ta” - Ngoại trưởng Heiko Mass nói với Bild am Sonntag. Tuy nhiên, ông Maas thừa nhận “có vấn đề” trong mối quan hệ của Đức với Mỹ, nói rằng: “Chúng tôi là đối tác thân thiết trong liên minh xuyên Đại Tây Dương. Nhưng mối quan hệ này phức tạp”.

Các nhà lập pháp cao cấp trong đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ trích kế hoạch của ông Donald Trump, gọi đây là một lời cảnh tỉnh cho Châu Âu. Andreas Nick, một thành viên cao cấp của CDU, nói với tờ Deutsche Welle: “Tất cả mọi thứ ở đây cho thấy rằng đó không phải là vấn đề kỹ thuật, mà là một quyết định hoàn toàn có động cơ chính trị”. Johann Wadephul, người đồng lãnh đạo phe liên minh cầm quyền trong quốc hội cho rằng Tổng thống Donald Trump đang “bỏ bê một nhiệm vụ quản lý cơ bản, đó là sự tham gia của các đồng minh vào các quá trình ra quyết định”. Tuy nhiên theo ông Wadephul, việc Mỹ rút quân mở ra một cánh cửa để Châu Âu bớt phụ thuộc vào Washington.

Trong khi đó, Ba Lan đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ chào đón quân đội Mỹ được tái triển khai từ nước láng giềng Đức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn