MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (thứ 3 từ phải) được Phó Tổng thống Tanzania Philip Mpango (thứ 2 từ phải) chào đón tại sân bay quốc tế Julius Nyerere ở Dar es Salaam, ngày 29.3.2023. Ảnh: AFP

Mỹ gây dựng ảnh hưởng ở châu Phi

Ngạc Ngư LDO | 03/04/2023 07:28

Tại cả 3 nơi tới thăm là Ghana, Tanzania và Zambia trong chuyến công du châu Phi 9 ngày vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đều quả quyết, Mỹ thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, hoạt động đầu tư và viện trợ phát triển với các quốc gia châu Phi không phải để đối phó Trung Quốc. 

Bà Harris không đề cập nhiều đến những điều kiện xưa nay Mỹ coi là tiên quyết như dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền hay bình đẳng giới mà Mỹ coi trọng trong quan hệ với các quốc gia châu Phi. 

Ở cả ba nơi, bà Harris đều tuyên cáo những sáng kiến và chương trình hợp tác kinh tế - tài chính mới của Mỹ để hậu thuẫn chính phủ và giới kinh tế các nước châu Phi ứng phó những vấn đề và thách thức thời sự nhất đối với các nước châu Phi, như chống biến đổi khí hậu trái đất, đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, giáo dục và đào tạo, y tế và xã hội. 

Dù vậy, chỉ như thế thôi cũng đã có thể được coi là sự điều chỉnh chính sách và chiến lược sâu rộng nhất và cơ bản nhất của Mỹ đối với châu Phi trong vòng mấy thập kỷ qua. Chúng cho thấy chính quyền của cặp Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris ở Mỹ coi trọng châu Phi hơn các chính quyền tiền nhiệm và đã hạ quyết tâm cao hơn các chính quyền tiền nhiệm về gây dựng và mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ở châu Phi. 

Trong thời gian dài châu lục này bị Mỹ sao nhãng, nhiều đối tác bên ngoài khác, trong đó đặc biệt là Trung Quốc, đã rất chủ động và tích cực chinh phục châu Phi. 

Châu Phi đã trở nên quan trọng hơn đối với Mỹ về chính trị thế giới, về địa chiến lược và về lợi ích kinh tế và thương mại thiết thực. Chuyến đi châu Phi này của bà Harris là bước triển khai mới nhất những điều chỉnh chính sách của chính quyền Biden/Harris ở Mỹ đối với châu Phi. Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Biden tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ với tất cả các quốc gia châu Phi và Liên minh châu Phi (AU). Trước bà Harris, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken đã 3 lần đi châu Phi và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đã đi châu Phi. 

Ngoài ra còn có đệ nhất phu nhân của nước Mỹ và đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc đã thực thi sứ mệnh chính trị ngoại giao riêng ở một số quốc gia châu Phi. Đỉnh điểm mới sẽ là chuyến thăm châu Phi đầu tiên của Tổng thống Joe Biden, dự kiến vào cuối năm nay.

Qua chuyến thăm 3 nước châu Phi của bà Harris, có thể thấy được chính quyền hiện tại ở Mỹ quyết tâm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa Mỹ và các đối tác bên ngoài khác, đặc biệt là Trung Quốc, trong công cuộc gây dựng vai trò, vị thế và ảnh hưởng ở châu Phi. 

Cách làm của Mỹ là tập trung vào trọng điểm chứ không dàn trải, phân định rõ ràng với quốc gia nào ở châu Phi thì ưu tiên nội dung hợp tác nào và phục vụ cho lợi ích nào. 

Điều mới mẻ nữa có thể thấy được là Mỹ bắt đầu coi trọng hơn lợi ích của các nước châu Phi trong quan hệ hợp tác với Mỹ, không ép buộc các quốc gia châu Phi phải lựa chọn giữa Mỹ với các đối tác bên ngoài khác, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, mà thuyết phục các quốc gia châu Phi tin rằng, Mỹ là sự lựa chọn đối tác tốt nhất đối với họ. 

Những toan tính chiến lược này của Mỹ không dễ trở thành hiện thực đối với Mỹ vì cuộc ganh đua ảnh hưởng và vai trò giữa các đối tác bên ngoài ở châu Phi sẽ ngày càng thêm quyết liệt và không khoan nhượng, vì Mỹ xưa nay thường lời nói không đi đôi với việc làm và hay đánh trống bỏ dùi ở châu Phi...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn