MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in họp báo tại Nhà Trắng 21.5.2021. Ảnh: AFP

Mỹ-Hàn: Chung mục tiêu, cùng định hướng

Ngạc Ngư LDO | 24/05/2021 09:39

Sau Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là vị lãnh đạo quốc gia nước ngoài thứ hai làm khách của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trước đấy, cả Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên đã tới Nhật Bản và Hàn Quốc đầu tiên. Qua đây có thể thấy chính quyền mới ở Mỹ với Tổng thống Biden coi trọng hai đồng minh quân sự chiến lược truyền thống này như thế nào.

Chung mục tiêu

Thách thức từ Trung Quốc và Triều Tiên, diễn biến tình hình và tương lai của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được các nước này dành cho sự quan tâm hàng đầu. Đương nhiên trên chương trình nghị sự không thể thiếu những chủ đề nội dung thuộc về khuôn khổ quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, cùng các vấn đề thế giới như chống biến đổi khí hậu trái đất và ứng phó dịch bệnh COVID-19.

Nhưng trước hết đối với ông Biden và ông Moon Jae-in là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Thời người tiền nhiệm của ông Biden là ông Donald Trump, ông Moon Jae-in đóng vai trò rất quyết định vào việc đưa lại những chuyển biến mang dấu ấn lịch sử cho mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên, đặc biệt cho sự ra đời của Tuyên bố Singapore giữa ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Mục tiêu xưa nay không thay đổi của phía Mỹ là phi hạt nhân hoá hoàn toàn và có kiểm chứng Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Barack Obama - thời này ông Biden là Phó Tổng thống Mỹ - theo đuổi cái gọi là chính sách "kiên trì chiến lược" đối với Triều Tiên, với nội hàm chung là chừng nào phía Triều Tiên chưa từ bỏ chương trình hạt nhân thì chừng đó Mỹ chưa có tiếp xúc chính thức với Triều Tiên. Ông Trump thì lại theo đuổi chính sách "thoả thuận lớn", nghĩa là dùng tiếp xúc chính thức cấp cao với Triều Tiên để đạt thoả thuận về phi hạt nhân hoá Triều Tiên.

Ông Moon Jae-in cũng là người thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cho tới nay vẫn chưa được giải quyết đối với Mỹ và Hàn Quốc. Ở phía ông Biden, chính quyền mới ở Mỹ cho biết đã hoàn tất quá trình xem xét và hoạch định lại chính sách đối với Triều Tiên. Cụ thể chính sách mới này như thế nào thì phía ông Biden chưa công bố nhưng chắc chắn sẽ không lặp lại chính sách của ông Obama và ông Trump, mà sẽ kết hợp những thành tố nhất định của cả hai với nhau. Ở phía Hàn Quốc, ông Moon Jae-in cầm quyền chỉ còn có một năm nữa nên có nhu cầu cấp thiết thúc đẩy quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Cùng định hướng

Trong tất cả các chủ đề nội dung trên chương trình nghị sự, trừ về Trung Quốc, ông Biden và ông Moon Jae-in dễ dàng đạt được sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động như hai bên mong muốn và như cần phải có được nếu hai nước tiếp tục thật sự là đồng minh quân sự và đối tác chiến lược truyền thống của nhau.

Trung Quốc là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng hàng đầu của Hàn Quốc và Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn tới Triều Tiên, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc chưa hết trắc trở nên ông Moon Jae-in không thể hoàn toàn cùng hội cùng thuyền với ông Biden trong ứng phó Trung Quốc.

Đối với Triều Tiên thì hai người này lại chung mục tiêu và cùng định hướng. Mục tiêu chung của họ là phi hạt nhân hoá Triều Tiên. Định hướng chiến lược chung của họ là vận động, thuyết phục và mời chào Triều Tiên đi vào đàm phán đồng thời tăng cường mối quan hệ đồng minh chiến lược truyền thống song phương, tức là kết hợp giữa ngoại giao và tiềm lực quân sự trực tiếp ở khu vực Đông Bắc Á.

Việc ông Biden cử đặc phái viên về Triều Tiên cùng với việc ông Biden và ông Moon Jae-in thoả thuận huỷ bỏ những hạn chế áp đặt cho chương trình phát triển tên lửa của Hàn Quốc giúp Hàn Quốc có thể phát triển tên lửa với tầm bắn vượt quá mức độ giới hạn 180km lâu nay là bằng chứng.

Với việc tiếp đón ông Moon Jae-in ở Nhà Trắng, ông Biden hoàn tất sự điều chỉnh chính sách của chính quyền mới ở Mỹ đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên. Nhật Bản và Hàn Quốc có thể về phía Mỹ trong khi Trung Quốc và Triều Tiên bắt đầu phải để ý nhiều hơn đến việc ứng phó sự liên thủ mới của bộ ba này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn