MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Binh sĩ Hàn Quốc trong cuộc tập trận chung ở Pohang năm 2018 (ảnh minh họa). Ảnh: AFP

Mỹ - Hàn Quốc tập trận quân sự lớn nhất năm

Hải Anh LDO | 23/08/2022 07:06

Ngày 22.8, Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận quân sự lớn nhất năm nhằm tăng cường thế trận phòng thủ trước mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ Triều Tiên.

Cuộc tập trận kéo dài 10 ngày

Cuộc tập trận mùa hè năm nay được đổi tên thành Lá chắn tự do Ulchi (Ulchi Freedom Shield -UFS) và dự kiến kết thúc ngày 1.9. Cuộc tập trận bao gồm hoạt động diễn tập trên thực địa có sự tham gia của máy bay, tàu chiến, xe tăng và hàng chục nghìn binh sĩ. 

Yonhap cho hay, cuộc tập trận Lá chắn Tự do Ulchi gồm 3 nội dung chính: Diễn tập chỉ huy mô phỏng trên máy tính, diễn tập thực địa và diễn tập phòng thủ dân sự Ulchi.

Cuộc tập trận được tổ chức thành 2 phần: Phần đầu tiên liên quan đến các cuộc tập trận đẩy lùi các cuộc tấn công và bảo vệ khu vực Seoul; phần thứ hai tập trung vào các hoạt động phản công. Trong phần đầu tiên, chính quyền Seoul đồng thời tổ chức các cuộc diễn tập Ulchi trong 4 ngày, với cuộc diễn tập chuyển sang chế độ hỗ trợ thời chiến.

Cuộc tập trận Lá chắn Tự do Ulchi sẽ kết hợp các cuộc diễn tập cho các tình huống đời thực khác nhau, bao gồm phát hiện thiết bị nổ tại một nhà máy điện hạt nhân, hỏa hoạn tại một nhà máy bán dẫn, tê liệt mạng lưới ngân hàng, khủng bố tại sân bay và cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. Trong cuộc tập trận, các đồng minh có kế hoạch tiến hành 13 chương trình huấn luyện thực địa kết hợp.

Mỹ và Hàn Quốc đã hủy bỏ một số cuộc tập trận thường niên, thu hẹp quy mô và chuyển các cuộc tập trận khác sang mô phỏng máy tính trong những năm gần đây để tạo không gian ngoại giao với Triều Tiên cũng như do lo ngại về COVID-19. Người tiền nhiệm của Tổng thống Yoon Suk-yeol, ông Moon Jae-in, cũng tập trung vào nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng.

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản gần đây cũng tham gia cuộc tập trận phòng thủ tên lửa đạn đạo ở ngoài khơi Hawaii. Đây là cuộc tập trận đầu tiên thuộc loại hình này kể từ năm 2017 khi quan hệ giữa Seoul và Nhật Bản xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. 

Triều Tiên vốn thường bày tỏ sự phản đối với các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc. Tuần trước, Triều Tiên bắn 2 tên lửa hành trình từ đô thị ven biển phía tây Onchon sau khi Mỹ và Hàn Quốc khởi động các hoạt động sơ bộ của cuộc tập trận. 

Ý định kép của Bình Nhưỡng

Cuộc tập trận giữa các nước đồng minh diễn ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố sẽ "bình thường hóa" các cuộc tập trận kết hợp và tăng cường răn đe với Triều Tiên. Washington và Seoul mô tả cuộc tập trận thường niên đang diễn ra là hoạt động mang tính phòng thủ. 

AP nhận định, cuộc tập trận có thể dẫn tới phản ứng từ Triều Tiên. Các quan chức Seoul cũng lưu ý, Triều Tiên đã thử tên lửa với tốc độ chưa từng có trong năm nay và sẵn sàng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7 bất kỳ lúc nào.

Dù vậy, ông Cho Joong-hoon, người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan phụ trách các vấn đề liên Triều, chỉ ra, Hàn Quốc chưa phát hiện ngay bất kỳ hoạt động hoặc dấu hiệu bất thường nào từ Triều Tiên.

Tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đề nghị trao đổi các bước đàm phán phi hạt nhân hóa và lợi ích kinh tế với Triều Tiên. Tuy nhiên, bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bác bỏ và nhấn mạnh Triều Tiên không có ý định đổi kho vũ khí mà nhà lãnh đạo nước này xem là bảo đảm sống còn mạnh nhất.

Bà chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc về việc nối lại các cuộc tập trận quân sự với Mỹ cũng như chỉ trích việc Seoul thất bại trong ngăn chặn các nhà hoạt động dân sự Hàn Quốc tung các tờ rơi tuyên truyền chống Bình Nhưỡng qua biên giới bằng khinh khí cầu. Bà cũng không đánh giá cao khả năng của Mỹ và Hàn Quốc trong giám sát các hoạt động tên lửa của Triều Tiên, khẳng định Seoul đã xác định sai địa điểm vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên vào 17.8. Vụ phóng tên lửa này diễn ra vài giờ trước khi Tổng thống Yoon tổ chức họp báo trong đó hối thúc Bình Nhưỡng trở lại với con đường ngoại giao.

Trả lời phỏng vấn AP TV hồi tháng trước, Choe Jin - Phó Giám đốc một tổ chức nghiên cứu thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên - nói rằng, Mỹ và Hàn Quốc sẽ đối mặt với những thách thức an ninh chưa từng có nếu không giảm sức ép quân sự thù địch với Triều Tiên, bao gồm cả các cuộc tập trận quân sự chung. 

Tuần trước, 2 tên lửa hành trình của Triều Tiên được phóng đi đã nối dài kỷ lục thử tên lửa Triều Tiên trong năm nay, với hơn 30 vụ phóng tên lửa đạn đạo, trong đó có cả vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên của Bình Nhưỡng trong gần 5 năm. 

Các chuyên gia nhận định, hoạt động thử nghiệm vũ khí tăng cường nêu bật ý định kép của Bình Nhưỡng gồm tăng cường kho vũ khí và buộc Mỹ phải chấp nhận ý tưởng coi Triều Tiên là cường quốc hạt nhân để nước này có thể đàm phán các nhượng bộ kinh tế và an ninh ở vị thế mạnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn