MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mỹ hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraina

Hải Anh LDO | 18/03/2022 11:31

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Quốc hội Mỹ hỗ trợ trong bài phát biểu ngày 16.3. Sau đó, từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố 800 triệu USD hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraina. 

Gói hỗ trợ 800 triệu USD

Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt thêm 800 triệu USD hỗ trợ an ninh cho Ukraina vào ngày 16.3. Gói này bao gồm 800 hệ thống phòng không, 9.000 hệ thống tên lửa chống tăng vác vai để phá hủy xe tăng, 7.000 vũ khí nhỏ bao gồm súng và súng phóng lựu, cùng 20 triệu viên đạn - ông Joe Biden cho biết. Tổng thống Mỹ cũng nói rằng máy bay không người lái cũng có trong gói này nhưng không cũng cấp thông tin chi tiết. 

Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ giấu tên tiết lộ, Mỹ sẽ cung cấp những vũ khí mà Ukraina đã được đào tạo và trang bị để sử dụng và đang sử dụng hiệu quả. Những hệ thống này bao gồm các hệ thống phòng không mà các đồng minh, đối tác sở hữu và có thể sẵn sàng gửi tới Ukraina. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Slovakia trong ngày 17.3 và thảo luận vấn đề này với các quan chức ở đó.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ sáng 16.3 để thông tin về tình hình chiến sự Ukraina. Phát biểu từ Kiev thông qua liên kết video, Tổng thống Zelensky kêu gọi tăng cường hỗ trợ quốc phòng cho Ukraina. Ông Zelensky cảm ơn Tổng thống Joe Biden về khoản viện trợ Mỹ đã cung cấp đồng thời tiếp tục đề nghị thêm hỗ trợ quân sự cho Ukraina và thêm các lệnh trừng phạt kinh tế Nga. “Tôi kêu gọi các bạn làm nhiều hơn nữa, những gói trừng phạt mới là cần thiết liên tục hằng tuần cho đến khi bộ máy quân sự của Nga ngừng lại" - ông nói. Tổng thống Ukraina cũng kêu gọi Mỹ áp đặt vùng cấm bay với Ukraina, điều mà Nhà Trắng đã từ chối trước đó do ngại làm leo thang căng thẳng quốc tế với Nga. 

Đây là lần phát biểu thứ hai của ông Zelensky trong tháng này trước Quốc hội Mỹ. Khoảng 300 nhà lập pháp đã tham gia một cuộc họp qua Zoom với ông Zelensky vào ngày 5.3. Trong cuộc họp đó, nhà lãnh đạo Ukraina đề nghị thêm hỗ trợ quân sự và lệnh cấm dầu của Nga. Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ sau đó đã đáp ứng đề nghị này: Quốc hội phê chuẩn gần 14 tỉ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraina vào tuần trước, gấp đôi con số ban đầu mà ông Joe Biden đề xuất. Mỹ cũng đã tăng cường các biện pháp trừng phạt với các tài phiệt và ngân hàng Nga, đồng thời áp đặt lệnh cấm hoàn toàn với nhập khẩu dầu, năng lượng và khí đốt của Nga.

Trong tháng này, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cũng đã phát biểu trước Nghị viện Châu Âu, Anh và Canada. Ngoài ra, tối 16.3, nhà lãnh đạo Ukraina chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với NBC rằng đàm phán giữa Ukraina và Nga “vẫn đang tiến hành” nhưng “khó khăn”. "Bất kỳ cuộc chiến nào cũng có thể kết thúc tại bàn đàm phán" - ông nói.

Hội đồng Bảo an họp về Ukraina

Theo kế hoạch, ngày 18.3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu dự thảo nghị quyết do Nga soạn thảo về tiếp cận viện trợ và bảo vệ dân thường ở Ukraina. Nga soạn thảo văn bản này sau khi Pháp và Mexico rút lại nghị quyết đề xuất về tình hình nhân đạo của Ukraina vì cho rằng Nga sẽ phủ quyết. Hai nước dự định đưa dự thảo đó vào cuộc bỏ phiếu trong Đại hội đồng gồm 193 thành viên, nơi không áp dụng quyền phủ quyết. Một nghị quyết của Hội đồng Bảo an để được thông qua cần ít nhất 9 phiếu thuận và không bị Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp hoặc Mỹ phủ quyết. 

Dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an do Nga soạn thảo yêu cầu bảo vệ đầy đủ với dân thường, bao gồm cả nhân viên nhân đạo và những người trong các tình huống dễ bị tổn thương, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Dự thảo cũng kêu gọi tiếp cận viện trợ an toàn và không bị cản trở cũng như đưa người dân ra khỏi Ukraina an toàn.

Các nhà ngoại giao tiết lộ với Reuters, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng họp vào ngày 17.3 để thông tin về vấn đề Ukraina, theo yêu cầu của Mỹ, Albania, Anh, Pháp, Ireland và Na Uy.

Trong diễn biến khác, ngày 16.3, TASS đưa tin, Tổng thống Vladimir Putin đã ký văn bản luật cho phép Nga thu giữ máy bay nước ngoài và sử dụng chúng cho các chuyến bay nội địa. Luật mới được đưa ra sau khi nhiều hãng vận tải và hãng khai thác máy bay phương Tây tuyên bố ngừng cung cấp phụ tùng thay thế và cung cấp các dịch vụ bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật cho Nga. Trong khuôn khổ lệnh trừng phạt Nga sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina, các công ty đang cho các hãng hàng không Nga thuê máy bay phải chấm dứt hợp đồng thuê trước ngày 28.3 và thu hồi máy bay. Công ty phân tích hàng không Cirium cho hay, tính đến 13.3, chỉ 136 trong số 861 máy bay chở khách và chở hàng đang phục vụ tại Nga là do Nga sản xuất. Phần lớn máy bay còn lại do các công ty phương Tây sản xuất. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn