MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân Qatar chào đón Quốc vương Saudi Arabia trong chuyến thăm Doha tháng 12.2015. Tuy nhiên, Saudi Arabia là một trong những nước tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Qatar. (Ảnh: Reuters)

Mỹ “ngồi trên lửa” vì khủng hoảng trầm trọng ở thế giới Arab

V.A LDO | 06/06/2017 10:27
Mối thù truyền kiếp giữa các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh có thể làm gián đoạn nỗ lực của Washington chống IS và đối phó với Iran trong một thời gian dài, mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump khẳng định, cuộc khủng hoảng trầm trọng ở thế giới Arab sẽ không có tác động tức thì.

Chỉ 2 tuần sau khi ông Donald Trump đến thăm vùng Vịnh, hân hoan trước việc các quốc gia Arab chung nỗ lực kiềm chế Iran và đánh bại IS, 6 quốc gia Arab bao gồm Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Libya, Ai Cập và Yemen đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar - nơi đặt một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông.

Các quốc gia trong vùng Vịnh đóng vai trò chủ chốt trong liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu. Căn cứ không quân Al Udeid của quân đội Mỹ ở Qatar là trung tâm chính của khu vực, nơi cất cánh các chuyến bay thực thi nhiệm vụ và điều phối toàn bộ các hoạt động trên không ở Trung Đông. 

Mặc dù các quan chức Mỹ, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, nói rằng, cuộc khủng hoảng Arab không làm gián đoạn chiến dịch đó, nhưng sẽ có những phức tạp nếu 3 nước vùng Vịnh từ chối làm việc với Qatar - tất cả đều là thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh - trong cuộc chiến chống IS.

Các nhà phân tích cũng cảnh báo sự chia rẽ này có thể làm suy yếu mục tiêu dài hạn của chính phủ Mỹ trong việc đối phó với những hoạt động của Iran trong khu vực.

Cựu nhân viên CIA và là cố vấn về Trung Đông trong 4 chính quyền Mỹ, ông Bruce Riedel, nói rằng, tình hình hiện tại làm nổi bật điểm yếu trong các đồng minh của Mỹ ở Trung Quốc về việc đối phó với Iran.

"Quan điểm cho rằng, các quốc gia vùng Vịnh thống nhất và đồng thuận đối đầu Iran là không đúng. Vùng Vịnh không thống nhất và thế giới Hồi giáo cũng không đoàn kết" - CNN dẫn lời ông Reidel nói.

Về nhân tố giáo phái trong sự chia rẽ giữa các nước vùng Vịnh theo dòng Sunni và Iran theo dòng Shiite, ông Riedel lưu ý rằng, "có rất nhiều người Hồi giáo nghĩ, toàn bộ cuộc thánh chiến chống lại người Shiite là một sai lầm".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn