MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
OPEC giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày trong tháng 11. Ảnh: AFP

Mỹ nhận quả đắng về thỏa thuận dầu mỏ bí mật

Khánh Minh LDO | 27/10/2022 10:47
Mỹ những tưởng có cam kết của Saudi Arabia tăng sản lượng dầu, nhưng thực tế lại nhận "quả đắng".

Phá vỡ lời hứa khi tranh cử, Tổng thống Joe Biden hồi tháng 7 đã có chuyến thăm Saudi Arabia vì chính quyền của ông cho rằng, đã đảm bảo được một thỏa thuận bí mật với Riyadh để tăng nguồn cung dầu.

Tuy nhiên, thay vào đó, Saudi Arabia đã làm ngược lại, dẫn đầu OPEC trong việc cắt giảm sản lượng.

Việc tăng sản lượng dầu dự kiến ​​sẽ diễn ra từ tháng 9 đến cuối năm nay, giúp giảm lạm phát và là minh chứng cho kết quả chuyến công du Saudi Arabia của ông Biden - tờ New York Times cho biết hôm 26.10, trích dẫn phỏng vấn với các quan chức chính phủ Mỹ và Trung Đông. 

Tuy nhiên, đầu tháng này, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, tạo ra áp lực tăng giá nhiều hơn và có khả năng làm tăng nguy cơ Đảng Dân chủ do ông Biden lãnh đạo sẽ mất quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ vào tháng 11 tới.

Một số nhà lập pháp Mỹ đã phản ứng bằng cách gợi ý rằng, Washington nên trừng phạt Riyadh, chẳng hạn cắt giảm bán vũ khí hoặc hỗ trợ quân sự cho vương quốc này. Tổng thống Biden cáo buộc Saudi Arabia đứng về phía Nga trong cuộc xung đột Ukraina và cảnh báo sẽ bị trừng phạt, nói rằng "sẽ có hậu quả".

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại Cung điện Hoàng gia Alsalam ở Jeddah, Saudi Arabia, ngày 15.7.2022. Ảnh: AFP

Các nghị sĩ Quốc hội - những người đã nhận được báo cáo mật về thỏa thuận dầu mỏ bí mật - "được tiết lộ rằng Thái tử Mohammed bin Salman đã lừa chính quyền Washington", tờ New York Times cho biết. 

Các quan chức Mỹ nói với tờ báo, thậm chí vài ngày trước khi OPEC tuyên bố, họ vẫn được Thái tử bin Salman đảm bảo là sẽ không có chuyện cắt giảm sản lượng. Sau đó, khi biết Saudi Arabia đảo ngược quan điểm, giới chức Washington đã nỗ lực nhưng không thành công trong việc thay đổi lập trường của Riyadh.

Trong khi đó, giới chức Saudi Arabia cho hay, quyết định của OPEC chỉ dựa trên những cân nhắc về kinh tế chứ không phải chính trị và Washington đã cố gắng trì hoãn động thái này (thông báo giảm sản lượng dầu) trong vài tuần, để qua ngày bầu cử giữa kỳ Mỹ 8.11. 

Lạm phát của Mỹ vẫn gần mức cao nhất trong 40 năm và được coi là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ, nhân tố ảnh hưởng đến bầu cử.

Khi vận động tranh cử tổng thống năm 2019, ông Biden nói sẽ khiến Saudi Arabia phải trả giá cho vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi.

Theo tờ New York Times, ngay cả một số người ủng hộ mạnh mẽ nhất của tổng thống cũng cho rằng, quyết định của ông Biden đi gặp Thái tử bin Salman - sau khi chính quyền Washington tưởng là đạt được thỏa thuận dầu bí mật vào tháng 5 - là ví dụ mới nhất về việc “hy sinh các nguyên tắc để đạt được hiệu quả chính trị - nhưng lại không cho thấy khả năng duy trì sự hiệu quả ấy".

Theo hạ nghị sĩ Gerald Connolly - đảng viên Đảng Dân chủ bang Virginia, giờ đây Mỹ khá đau khi Saudi Arabia ung dung đi trên con đường của họ.

Vào tháng 6, ông Biden công khai phủ nhận sẽ yêu cầu các quan chức Saudi Arabia tăng cường cung cấp dầu. “Những gì đã xảy ra trong nửa năm qua là câu chuyện về những thỏa thuận bắt tay, những suy nghĩ viển vông, những tín hiệu bị bỏ lỡ và những lời thất hứa” - tờ New York Times viết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn