MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Fumio Kishida hội đàm trực tuyến ngày 21.1.2022. Ảnh: AFP

Mỹ-Nhật: Đồng minh xa tâm đầu ý hợp

Ngạc Ngư LDO | 24/01/2022 10:34

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa có cuộc trao đổi trực tuyến đầu tiên kể từ khi ông Kishida kế nhiệm Thủ tướng Yoshihide Suga ở Nhật Bản.

Theo những gì được hai nhà lãnh đạo phát biểu với giới truyền thông ở hai nước và trên thế giới sau cuộc gặp trực tuyến dài 80 phút của họ với nhau và thông báo của đại diện chính phủ hai nước về kết quả sự kiện này thì mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản hiện rất tốt đẹp, gắn bó và tin cậy. Hai nước không chỉ đơn thuần là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của nhau mà hiện còn đã cùng nhau tạo thành cặp bài trùng đồng hành thực hiện những mưu tính chiến lược chung cho ngắn hạn cũng như lâu dài.

Cái may mắn đối với mối quan hệ song phương này là đang "hợp người và được thời". Không như người tiền nhiệm, ông Biden rất coi trọng Nhật Bản và coi trọng việc thực hiện cam kết của Mỹ đảm bảo an ninh cho Nhật Bản. Ở phía Nhật Bản, ông Kishida và những người tiền nhiệm luôn chủ trương tranh thủ Mỹ và dựa cậy vào Mỹ về an ninh.

Ông Biden và ông Kishida lại cùng xác định ra nhiều lợi ích và định hướng chiến lược chung mà Mỹ và Nhật Bản có thể đạt được với việc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực chứ không chỉ đơn thuần có quan hệ đồng minh quân sự truyền thống. Tăng cường hợp tác kinh tế và thúc đẩy trao đổi thương mại, cấu trúc lại mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu vốn bị dịch bệnh làm cho gián đoạn, ứng phó dịch bệnh, chống biến đổi khí hậu trái đất... được hai bên xác định là những nội dung trọng tâm mới đưa lại chất lượng mới cho quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương, phần nào cả chính trị thế giới nữa.

Nhưng nổi bật hơn cả là hợp tác về chính trị châu lục và khu vực, hợp tác về an ninh, quân sự và quốc phòng, địa chính trị và địa chiến lược. Mức độ tâm đầu ý hợp giữa ông Biden và ông Kishida trên những phương diện nói trên càng thêm đặc biệt. Đối phó những mưu tính chiến lược và hành động cụ thể của Trung Quốc về chính trị cũng như quân sự, về tâm lý cũng như truyền thông ở vùng Đông Bắc Á và khu vực Biển Đông, đánh giá về và ứng phó những diễn biến liên quan đến chính sách và hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan và khu vực Eo biển Đài Loan đều là những nội dung không những chỉ được hai người này trao đổi sâu rộng mà họ còn có được tiếng nói và quan điểm chung.

Người ta còn thấy Mỹ và Nhật Bản thật sự cùng hội cùng thuyền, luôn thống nhất quan điểm và phối hợp hành động cũng như luôn kẻ tung người hứng, luôn tiền hô hậu ủng trong cả những vấn đề khác như vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hay như chuyện hiện tại ở Châu Âu giữa Mỹ, EU, NATO và Ukraina với Nga.

Người ta còn có thể nhận thấy chủ ý của ông Biden và ông Kishida là gây dựng mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Nhật Bản thành trục ảnh hưởng quyết định nhất ở khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cùng với Ấn Độ và Australia, hai nước này hình thành cái gọi là Bộ tứ kim cương ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Kể từ khi nhậm chức Tổng thống ở Mỹ đến nay, ông Biden chưa công du khu vực này lần nào nhưng sắp tới sẽ đến thăm Nhật Bản và tham dự hội nghị cấp cao của Bộ Tứ tổ chức ở Nhật Bản.

Năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Suga là vị lãnh đạo quốc gia nước ngoài đầu tiên được ông Biden chào đón ở Nhà Trắng. Ông Biden là lãnh đạo quốc gia nước ngoài đầu tiên chúc mừng ông Kishida trong ngày làm việc đầu tiên của người này trên cương vị thủ tướng Nhật Bản.

Mỹ và Nhật Bản hiện như thể đang có được cả thiên thời, địa lợi và nhân hoà để thúc đẩy quan hệ song phương, để cùng mưu tính chuyện lớn trong chính trị thế giới, châu lục và khu vực, trong quan hệ quốc tế, để tạo hiệu ứng cộng hưởng của chủ trương vừa dựa cậy vào nhau vừa trợ giúp lẫn nhau nhằm thực hiện lợi ích chung cũng như riêng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn