MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mỹ nới trừng phạt Venezuela, thế giới có thêm nguồn cung dầu

Song Minh LDO | 27/11/2022 10:05

Mỹ nới lỏng trừng phạt dầu mỏ của Venezuela sau một thỏa thuận của chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập.

Ngày 26.11, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nới lỏng một số lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Venezuela sau khi chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập ký "thỏa thuận bảo trợ xã hội" sâu rộng để thành lập một quỹ do Liên Hợp Quốc quản lý nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Venezuela.

Theo Al Jaazera, thỏa thuận được ký kết hôm 26.11 tại thủ đô Mexico City (Mexico) giữa đại diện của Tổng thống Maduro và phe đối lập - bao gồm cả phe được Mỹ hậu thuẫn do ông Juan Guaido lãnh đạo. 

Thỏa thuận đánh dấu việc nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ từ lâu nhằm tìm ra một con đường chung cho Venezuela thoát khỏi cuộc khủng hoảng phức tạp của đất nước.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, thỏa thuận này đánh dấu “những bước đi đúng hướng quan trọng để khôi phục nền dân chủ” ở Venezuela. Bộ Tài chính đáp lại bằng cách cấp giấy phép cho tập đoàn dầu khí Mỹ Chevron tiếp tục hoạt động khai thác dầu hạn chế ở Venezuela.

Giấy phép sẽ có hiệu lực trong sáu tháng và trong thời gian này chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ đánh giá liệu chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro có đáp ứng các cam kết trong thỏa thuận hay không.

Việc nới lỏng các hạn chế đối với hoạt động của Chevron tại Venezuela - nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới - sẽ cho phép quốc gia này tiến tới tái gia nhập thị trường dầu mỏ toàn cầu, cung cấp dầu cho thế giới.

Các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela được thúc đẩy kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina, dẫn đến áp lực đối với các nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Một tuyên bố chung của Canada, Mỹ, Anh và Liên minh Châu Âu (EU) cam kết “sẵn sàng xem xét lại các biện pháp trừng phạt” đối với Venezuela, nhưng yêu cầu nước này thả các tù nhân chính trị, tôn trọng tự do báo chí và đảm bảo sự độc lập của các cơ quan tư pháp và bầu cử.

Theo Al Jazeera, đã hơn một năm kể từ khi chính phủ Venezuela và phe đối lập ngồi vào bàn đàm phán. Và một trong những lý do có rất nhiều sự lạc quan trước các cuộc đàm phán lần này là các mục tiêu và phần thưởng đã được đưa ra.

Mục tiêu của đàm phán là giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đang diễn ra ở Venezuela. Đối với chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, điều này có nghĩa là ông sẽ phải cam kết tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng trong nước. Phần thưởng cho chính phủ của ông Maduro là nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Nhà hòa giải Na Uy Dag Nylander ca ngợi thỏa thuận này là một "cột mốc lịch sử", mặc dù cuộc khủng hoảng của đất nước chỉ có thể được giải quyết bởi chính người Venezuela.

Ông nói, các bên đã xác định được các nguồn lực thuộc về nhà nước Venezuela bị đóng băng trong hệ thống tài chính quốc tế, mà có thể tiếp cận dần dần.

Các quỹ được thành lập theo "thỏa thuận bảo trợ xã hội" được sử dụng để giúp ổn định lưới điện của đất nước, cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục và đối phó với ảnh hưởng của những trận mưa và lũ lụt chết người trong năm nay.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc được công bố vào đầu năm nay ước tính cần khoản viện trợ nhân đạo 795 triệu USD để giúp khoảng 5,2 triệu người ở Venezuela về y tế, giáo dục, nước và vệ sinh, thực phẩm và các dự án khác.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Venezuela và trao cho lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido quyền kiểm soát các tài khoản ngân hàng mà chính phủ của ông Maduro có tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York hoặc bất kỳ ngân hàng nào khác được Mỹ bảo hiểm.

Ông Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời của Venezuela vào tháng 1.2019, lập luận rằng tư cách là Chủ tịch Quốc hội của đất nước khi đó cho phép ông thành lập một chính phủ chuyển tiếp vì ông Maduro đã tái đắc cử trong một cuộc bỏ phiếu bị cáo buộc là gian lận vào cuối năm 2018.

Hàng chục quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada và Colombia, đã công nhận ông Juan Guaido là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela. Các ngân hàng Châu Âu cũng nắm giữ tài sản bị đóng băng của Venezuela.

Khoảng 7 triệu người đã rời Venezuela trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và nhân đạo phức tạp. 3/4 những người ở lại trong nước sống với mức dưới 1,9 USD/ngày, tương đương với tình trạng nghèo cùng cực theo một phép đo quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn