MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Mỹ - Pakistan khủng hoảng đầu năm

HÀ LIÊN LDO | 05/01/2018 08:52
Mối quan hệ Mỹ - Pakistan trải qua rất nhiều lần căng thẳng, song nhu cầu về quân sự và kinh tế khiến hai nước vẫn giữ mối quan hệ đồng minh trong sự ngờ vực.

Đỉnh điểm của sự ngờ vực

Quan hệ Mỹ - Pakistan chao đảo trong những ngày đầu năm 2018, mà mở đầu là tweet của Tổng thống Donald Trump cáo buộc Pakistan “dối trá và lừa đảo”, dung dưỡng phiến quân khủng bố mà Mỹ nhọc công săn lùng ở Afghanistan.

Bà Tehmina Janjua - Thư ký đối ngoại Pakistan -đã triệu tập Đại sứ Mỹ David Hale để bày tỏ sự phản đối. Đáp lại, tweet của Tổng thống Donald Trump, Bộ Quốc phòng Pakistan tuyên bố giúp Mỹ chống khủng bố, nhưng nhận lại sự “công kích và thiếu tin tưởng”.

Ủy ban an ninh quốc gia Pakistan (NSC) được triệu tập hôm 2.1 đã bày tỏ “thất vọng sâu sắc” về động thái của các quan chức Mỹ trong vài tháng qua. NSC tuyên bố, điều này “làm mất lòng tin giữa hai quốc gia được xây dựng qua các thế hệ và phủ nhận sự hy sinh của người dân Pakistan trong nhiều thập kỷ”.

Phía Pakistan cũng bác bỏ các cáo buộc cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho những kẻ khủng bố, và lấy dẫn chứng là, chiến dịch năm 2014 để loại bỏ các nhóm cực đoan, trong đó có mạng lưới Haqqani từ vùng biên giới Waziristan giáp với Afghanistan cũng như đề cập số thường dân và binh sĩ Pakistan thiệt mạng trong các cuộc tấn công quân sự. “70 nghìn sinh mạng trong 16 năm qua”, NPR dẫn lời ông Shahzad Chaudhry- phó nguyên soái quân đội nghỉ hưu.

Đại sứ Pakistan tại Liên Hợp Quốc Maleeha Lodhi tuyên bố, cuộc chiến chống khủng bố nhiều hơn bất cứ nước nào trên thế giới và không dựa trên bất kỳ sự trợ giúp nào mà chỉ dựa trên lợi ích và nguyên tắc của đất nước. “Chúng ta có thể xem lại việc hợp tác nếu nó không được đánh giá cao”, Reuters dẫn lời ông Maleeha Lodhi.

Tiến trình sụt giảm lòng tin

Mối quan hệ Mỹ với Pakistan đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc chiến ở Afghanistan, căng thẳng nhất sau khi đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden ở Pakistan năm 2011.

Theo NPR, trên thực tế, tweet của Tổng thống Donald Trump cũng như việc rút khoản viện trợ 255 triệu USD của Mỹ phản ánh những căng thẳng đang gia tăng giữa Washington và Islamabad kể từ khi ông Donald Trump công bố chiến lược mới ở Afghanistan hồi tháng 8 năm ngoái. Khi đó, Tổng thống Mỹ cáo buộc Pakistan cung cấp “nơi ẩn náu an toàn cho các nhân tố hỗn loạn, bạo lực và khủng bố”. Trong năm qua, ông Donald Trump hay Phó Tổng thống Mike Pence cùng nhiều quan chức Mỹ khác nhiều lần nhắc lại vấn đề này.

Michael Kugelman - chuyên gia cao cấp về Nam Á tại Trung tâm Wilson - nhận định, các chính quyền Mỹ trước đó cũng cáo buộc Pakistan “nước đôi” nhưng dưới thời ông Donald Trump, điều này trở nên rõ nét hơn.

Chính quyền Donald Trump dường như coi Pakistan là lý do chính khiến Mỹ không giành chiến thắng ở Afghanistan, ông Mosharraf Zaidi - nhà báo chuyên về các vấn đề chính trị cho tờ The News của Pakistan - nhận định. “Tôi nghĩ, những gì chúng ta đang thấy là một sự sắp xếp lại mối quan hệ. Đây thực sự là tiến trình khiến lòng tin sụt giảm”, ông nói.

NPR cho rằng, việc Washington rút viện trợ ngay đầu năm chỉ là một trong số các biện pháp đối với Islamabad. Ngoài ra, Mỹ có thể xem xét lại việc công nhận Pakistan là “đồng minh lớn ngoài NATO” hay tăng cường không kích phiến quân trên lãnh thổ Pakistan…

Theo giới phân tích, Pakistan đang cho rằng, Mỹ sẽ không có những bước đi quyết liệt vì vai trò với cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan. Ngoài ra, Pakistan cũng vẫn chia sẻ một số thông tin tình báo với Mỹ. “Mỹ có thể phải trả giá đáng kể khi phá vỡ quan hệ Mỹ- Pakistan. Pakistan sẽ rất có thể đáp trả theo những cách tổn hại đến lợi ích của Mỹ”, ông Michael Kugelman nói.

Trên thực tế, Pakistan cần Mỹ hỗ trợ trong các khoản vay Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để ổn định nền kinh tế. Hải quân và không quân nước này cũng dựa nhiều vào công nghệ của Mỹ, Husain Haqqani - cựu Đại sứ Pakistan tại Mỹ - cho hay.

Trong bối cảnh quan hệ đồng minh rạn nứt, Trung Quốc có động thái ủng hộ Pakistan hôm 2.1. “Chúng tôi tin rằng, cộng đồng quốc tế cần công nhận đầy đủ nỗ lực chống khủng bố của Pakistan” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này nói. Cùng ngày, ngân hàng trung ương Pakistan tuyên bố, thay thế USD bằng đồng nhân dân tệ trong giao dịch thương mại và đầu tư với Bắc Kinh.

Viện trợ của Mỹ cho Pakistan đã giảm từ 2,6 tỉ USD năm 2012 xuống còn 250 triệu USD năm ngoái. Trong khi đó, Trung Quốc cung cấp 60 đến 70% thiết bị quân sự của Pakistan hiện nay. Ngoài ra, thông qua Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, Bắc Kinh đang đầu tư khoảng 60 tỉ USD vào Pakistan, theo Hindustan Times.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn