MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mỹ phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên

Thanh Hà LDO | 02/12/2021 07:42
Mỹ phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở bang California. Bệnh nhân trở về từ Nam Phi vào tuần trước, đã tiêm chủng đầy đủ và đang có triệu chứng nhẹ.

Nhập cảnh Mỹ vài ngày trước khi Nam Phi phát hiện biến thể mới

Ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên của Mỹ được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) công bố ngày 1.12. 

CDC cho biết, cơ quan y tế công cộng California và cơ quan y tế công cộng San Francisco đã xác nhận ca nhiễm biến thể Omicron ở một du khách trở về từ Nam Phi vào ngày 22.11 - 3 ngày trước khi các nhà khoa học ở Nam Phi thông báo phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2. 

Bệnh nhân nhiễm biến thể SARS-CoV-2 Omicron là một người trưởng thành dưới 50 tuổi, có kết quả dương tính với virus ngày 29.11, Thống đốc California Gavin Newsom thông tin.

CDC cho biết thêm, ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên của Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ và có các triệu chứng nhẹ. Bệnh nhân đang tự cách ly kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Các ca tiếp xúc gần với bệnh nhân ở California đều đã xét nghiệm COVID-19 và cho đến nay không có ai có kết quả dương tính.

Tiến sĩ Mark Ghaly - quan chức cơ quan y tế và dịch vụ nhân sinh ở California, cho hay, việc bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron chỉ có các triệu chứng nhẹ là minh chứng cho tác dụng của tiêm chủng. “Tiêm chủng đóng vai trò thực sự quan trọng: Bảo vệ khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong" - ông nói.

Tiến sĩ Grant Colfax thuộc cơ quan y tế công cộng San Francisco tiết lộ, bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron đã được tiêm 2 liều vaccine Moderna nhưng chưa được tiêm nhắc lại. Thống đốc Newsom cho hay, ca nhiễm Omicron đã tiêm chủng trong vòng 6 tháng qua do đó chưa đủ điều kiện tiêm nhắc lại. 

WHO xác nhận 23 quốc gia có ca Omicron

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông tin ngày 1.12 rằng, 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã ghi nhận ca mắc biến thể Omicron có đột biến cao. 

“Ít nhất 23 quốc gia từ 5 trong 6 khu vực của WHO hiện đã báo cáo các ca nhiễm Omicron và chúng tôi dự kiến con số đó sẽ tăng lên” - CNBC dẫn lời Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại Geneva. 

Nhà lãnh đạo WHO lưu ý, WHO cực kỳ quan tâm tới diễn biến của biến thể Omicron. “Đây là những gì virus làm. Và đó là những gì loại virus này sẽ tiếp tục, miễn là chúng ta cho phép nó tiếp tục lây lan" - ông Tedros nói. 

Biến thể Omicron đã được Nam Phi báo cáo cho WHO một tuần trước. Biến thể SARS-CoV-2 mới này có hơn 30 đột biến ở protein gai. Theo WHO, một số đột biến có liên quan đến việc giảm khả năng bảo vệ của kháng thể và có khả năng lây truyền cao hơn.

Theo ông Tedros, vẫn còn nhiều điều để tìm hiểu về khả năng lây truyền của biến thể, mức độ nghiêm trọng của bệnh  do biến thể mới và hiệu quả của các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine. Một số nhóm cố vấn của WHO đã gặp nhau trong vài ngày qua để “đánh giá các bằng chứng mới xuất hiện và ưu tiên các nghiên cứu cần thiết để giải đáp những câu hỏi này”, ông nói.

Tổng giám đốc WHO cũng lưu ý, biến thể Delta có khả năng lây truyền cao vẫn đang chiếm hầu hết số ca COVID-19 trên toàn cầu. Việc sử dụng các công cụ sẵn có để ngăn chặn sự lây truyền của Delta cũng sẽ ngăn chặn sự truyền Omicron.

Ông kêu gọi các quốc gia tăng cường tiêm chủng và các biện pháp phòng ngừa khác. Lãnh đạo WHO cũng nhấn mạnh, tỉ lệ bao phủ vaccine và xét nghiệm thấp ở các quốc gia là “công thức để nhân giống và khuếch đại các biến thể”.

Ông Tedros cũng nhấn mạnh, việc áp dụng các lệnh cấm đi lại sẽ không ngăn chặn được lây truyền Omicron đồng thời là “gánh nặng cho cuộc sống và sinh kế". Ông Tedros “vô cùng lo ngại” rằng Botswana và Nam Phi đã “bị những bên khác phạt khi làm điều đúng đắn". 

Tổng Giám đốc WHO Tedros kêu gọi các quốc gia chuyển sang "các biện pháp giảm thiểu rủi ro theo tỉ lệ hợp lý". Điều này bao gồm các biện pháp xét nghiệm với hành khách trước khi di chuyển hoặc áp dụng cách ly với khách quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn