MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một kiểm lâm viên vô tình phát hiện ra khu rừng hóa thạch niên đại 10 triệu năm ở tiểu bang California, Mỹ. Ảnh: Đại học bang California

Mỹ phát hiện kho tàng hóa thạch tiền sử quan trọng bậc nhất ở California

Bảo Châu LDO | 25/05/2021 07:45

Một kho tàng hóa thạch tiền sử được đánh giá là quan trọng bậc nhất đã được phát hiện và khai quật ở California, Mỹ.

Chico State Today đưa tin, kiểm lâm viên Greg Francek ở tiểu bang California, Mỹ đã tình cờ bắt gặp một khu rừng hóa thạch vào mùa hè 2020, khi đang đi bộ qua đầu nguồn sông Mokelumne, gần dãy núi Sierra.

Nhờ đó, các nhà nghiên cứu đã khai quật được một kho tàng khoảng 600 cây hóa thạch và hàng chục loài động vật, bao gồm tổ tiên loài voi, tê giác, heo vòi và cả lạc đà kích cỡ hươu cao cổ.

Các chuyên gia cho biết, địa điểm này có niên đại khoảng 10 triệu năm trước, thuộc kỷ Miocen và là một trong những địa điểm quan trọng nhất từng được tìm thấy ở California.

Hiện tại, vị trí chính xác vẫn đang được giữ kín để bảo vệ các di vật hóa thạch cho đến khi quá trình khai quật được hoàn tất.

Dự kiến, một hộp sọ voi răng mấu tìm thấy tại địa điểm này ​​sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học Chico's Gateway của Đại học bang California vào mùa thu năm nay.

Hộp sọ voi răng mấu 10 triệu năm trước được bảo quản tốt một cách đáng kinh ngạc. Ảnh: Đại học bang California

Chia sẻ về lần đầu tiên phát hiện ra kho tàng hóa thạch tiền sử đáng kinh ngạc, kiểm lâm viên Francek cho hay: “Tôi tình cờ bắt gặp cây hóa thạch một phần bị chôn vùi trong lớp trầm tích, nhờ một đầu lộ ra ngoài, tôi thực sự có thể nhìn thấy những vòng cây bên trong''.

Quan sát xung quanh, Francek tiếp tục phát hiện thêm rất nhiều thân cây đã hóa thạch.

Hóa thạch cây 10 triệu năm trước tại địa điểm khai quật. Ảnh: Đại học bang California/EBMUD

Tuy nhiên, mãi cho đến vài tuần sau, khi quay lại để tiến hành một cuộc khảo sát tỉ mỉ về khu rừng hóa thạch, lần đầu tiên ông tiếp tục phát hiện ra hóa thạch động vật giữa các loài thực vật.

''Tôi đã xác định được hóa thạch động vật có xương sống đầu tiên, loài động vật từ hàng triệu năm trước'' - kiểm lâm viên cho hay.

Tại thời điểm này, ông Francek quyết định sẽ liên hệ với các chuyên gia, trong số đó có nhà cổ sinh vật học và địa tầng Russell Shapiro của Đại học bang California.

Giáo sư Shapiro nhận định: “Có rất ít phát hiện hóa thạch như thế này tồn tại ở California. Khám phá này rất có ý nghĩa tuyệt đối cả về số lượng và sự đa dạng của các mẫu vật được tìm thấy''.

Giáo sư cũng cho biết những bộ xương hóa thạch đã vẽ nên một bức tranh cụ thể về cuộc sống cách đây 10 triệu năm, khi các động vật tiến hóa từ môi trường sống trong rừng sang khu vực đồng cỏ khi điều kiện thay đổi''.

Hóa thạch voi răng mấu. Ảnh: Đại học bang California

Theo các nhà nghiên cứu, địa điểm này từng là một khu rừng sồi được bao quanh bởi đại dương. Gỗ của các cây trong khu rừng đã bị chôn vùi trong lớp trầm tích mịn của đồng bằng, vùng ngập lũ hoặc lớp tro núi lửa và biến thành đá trong hàng triệu năm.

Họ cũng giải thích, xương của các sinh vật thời tiền sử mà nhóm nghiên cứu tìm thấy giữa khu rừng hóa thạch có lẽ đã được đưa đến khu vực nhờ lũ lụt và các dòng nham thạch núi lửa từ sâu trong đất liền.

Giáo sư Shapiro và các đồng nghiệp của ông nói rằng họ đã rất ngạc nhiên khi khai quật được hộp sọ, răng và ngà của một con voi răng mấu được bảo quản tốt một cách khó tin. Thậm chí một bộ xương của loài ''cá hồi quái vật'' thời tiền sử nặng 180 kg cũng đã được tìm thấy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn