MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào thị trấn Tel Abya, tấn công người Kurd ở Syria. Ảnh: Getty Images

Mỹ ra, Thổ Nhĩ Kỳ vào - Cục diện mới

NGẠC NGƯ LDO | 16/10/2019 07:29

Trong những ngày này, ở khu vực Trung Đông lại sôi động bởi hàng loạt động thái mới đưa lại không chỉ tình hình chính trị an ninh mới mà còn cả tương quan lực lượng và cục diện địa chiến lược mới.

Từ khá nhiều năm nay rồi, ở nơi này đã dai dẳng cuộc chiến tranh và nội chiến, bạo lực hỗn độn trong phạm vi quốc gia và cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực, có liên minh và liên quân khác nhau giữa các nước trong khu vực và có sự can thiệp quân sự trực tiếp của đối tác bên ngoài. Ở đây có mối bất hoà và đối địch giữa Mỹ và đồng minh với Iran, có cuộc chiến chống tổ chức khủng bố và tôn giáo cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), có chuyện chính trị quyền lực nội bộ ở Iraq và Syria. Ở đây vừa rồi có chuyện Mỹ rút quân đội ra khỏi Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội vào Syria tiến hành những cuộc tấn công nhằm vào lực lượng vũ trang YPG của người Kurd ở miền bắc Syria.

Trước đây, Mỹ đưa quân đội đến Syria để cùng YPG chống IS và để lật đổ chính thể của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria với lập luận cho rằng IS ở Syria đã bị tiêu diệt. Trong thực chất, phía Mỹ biết rằng do Nga can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria năm 2015 mà chính thể của ông Assad ở Syria hiện vững vàng hơn bao giờ hết.

Chấm dứt chiến tranh của Mỹ ở bên ngoài nước Mỹ và rút quân đội Mỹ ra khỏi những cuộc chiến tranh ấy lại thuộc về những cam kết vận động tranh cử tổng thống trọng tâm năm 2016 của ông Donald Trump mà người này ý thức được rằng phải tạo ra được hình ảnh và cảm nhận ở Mỹ về người kiên định thực hiện mọi cam kết tranh cử thì mới có thể duy trì được cơ may tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới. Đồng thời, ông Donald Trump còn dùng việc triệt thoái quân đội Mỹ ra khỏi Syria để gia tăng áp lực buộc các đồng minh chiến lược ở trong khu vực cũng như ở Châu Âu phải đóng góp nhiều hơn và trực tiếp hơn về tài chính cũng như quân sự cho việc xử lý những vấn đề chính trị an ninh thế giới và khu vực.

Mỹ rút quân đi, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện ngay kế hoạch lần thứ 3 - sau mùa hè năm 2016 và đầu năm 2018 - đưa quân đội tràn sang Syria. Mỹ lần này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi nhiều mục tiêu khác nhau, trước hết là đè bẹp lực lượng YPG mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là cánh tay vũ trang và hậu thuẫn đảng PKK của người Kurd bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng những biện pháp chính sách ấy ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như ở Syria để ngăn chặn người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Iran khôi phục nhà nước độc lập riêng cho người Kurd trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ muốn hình thành một vành đai an ninh dọc tuyến biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, dài 480km, rộng 30km để vừa đảm bảo an ninh vừa hồi hương hàng triệu người Syria hiện tỵ nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chủ ý này còn giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng thế và lực so với Nga, Iran và chính phủ Syria ở giải pháp chính trị hoà bình cho Syria.

Việc Mỹ đưa thêm binh lính và vũ khí đến vùng Vịnh cũng như vụ việc tàu chở dầu của Iran bị cháy mà Iran cho rằng đã bị tấn công bằng tên lửa làm cho tình hình ở khu vực vùng Vịnh biến động thêm phức tạp và nhạy cảm. Cục diện tình hình và địa chiến lược ở Syria thay đổi thì ở cả vùng Vịnh cũng sẽ thay đổi, nhưng có lợi hay có hại cho ai thì hiện thật khó xác định được bởi ranh giới giữa lợi và hại rất mong manh và chuyển từ lợi sang hại hay ngược lại có thể rất nhanh chóng và bất ngờ đối với tất cả các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn