MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh tư liệu do Triều Tiên công bố cho thấy cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14, hôm 4.7.2017. Ảnh: AP

Mỹ sẽ lựa chọn kịch bản nào nếu chiến tranh với Triều Tiên?

Gia Minh LDO | 10/08/2017 08:17
Với việc Mỹ nhanh chóng "sập cánh cửa" với Triều Tiên để ngăn chặn nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể tấn công đảo Guam bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, các nhà quan sát Triều Tiên bắt đầu phân tích các lựa chọn quân sự của Tổng thống Donald Trump.

Ông Donald Trump hôm qua (8.8) đã cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ phải nhận "lửa thù và giận dữ" nếu nước này tiếp tục đe dọa Mỹ. Đối với ông Donald Trump và Mỹ, không có sự lựa chọn nào là dễ dàng, theo Bloomberg.

1. Mỹ không thể "tấn công phẫu thuật"?

Hoạt động "tấn công phẫu thuật", tức đánh đâu trúng đấy, có thể sẽ không thành công như mong đợi. Bởi tên lửa và các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên được phân tán khắp nơi cũng như được che giấu trên các vùng đồi núi ở khắp đất nước này. Không thể tấn công xóa sổ chúng khi mà khoảng 10 triệu người ở Seoul (Hàn Quốc), 38 triệu người ở các khu vực lân cận Tokyo (Nhật Bản) và hàng chục nghìn nhân viên quân sự Mỹ ở Đông Bắc Á cũng dễ bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Ngay cả khi Mỹ tìm cách giải quyết được mọi vấn đề thì Seoul vẫn có thể bị tổn thương trước các cuộc tấn công bằng pháo binh của Triều Tiên.

2. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ tấn công hạt nhân?

"Thậm chí là một chương trình tấn công có giới hạn", thì khi Mỹ tiến hành "cũng vẫn có nguy cơ bị Triều Tiên hiểu là khởi đầu cho một cuộc tấn công lớn hơn, do đó, họ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân", theo ông Jeffrey Lewis - Giám đốc chương trình giải trừ vũ khí Đông Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury.

Vì vậy, bằng cách này hoặc cách khác, Mỹ cần phải báo hiệu cho cả Triều Tiên và Trung Quốc - đồng minh chính và đối tác thương mại của Bình Nhưỡng - rằng một cuộc "tấn công phẫu thuật" có giới hạn và họ nên tránh trả đũa hạt nhân.

3. Chế độ có thay đổi lựa chọn hay không?

Nhà lãnh đạo mới cũng không đồng nghĩa giới lãnh đạo Triều Tiên có cách nghĩ mới. Ông Kim Jong-un từng du học nước ngoài thời gian dài, tiếp xúc với các giá trị phương Tây khi đang theo học ở Thụy Sĩ, khiến một số người suy đoán rằng ông có thể chọn cách mở cửa đất nước. Tuy nhiên, khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền thì suy đoán đó đã rõ ràng là sai, vì quanh ông vẫn còn nhiều quan chức cũ.

4. Chiến tranh tổng lực là lựa chọn tốt nhất của Mỹ?

Một cuộc chiến tranh toàn diện sẽ là điều cần thiết để nhanh chóng xóa sổ pháo binh cũng như các chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, bất cứ dấu hiệu nào cho thấy một cuộc tấn công sắp xảy ra, chẳng hạn sự gia tăng hỏa lực của Mỹ, việc huy động quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản, việc sơ tán công dân Mỹ trong khu vực,... có thể sẽ khiến Triều Tiên tấn công ngăn chặn ngay lập tức. "Thực tế phải tránh xảy ra chiến tranh. Nga, Trung Quốc cũng có thể bị 'hút vào' cuộc chiến. Khi bạn tính toán chi phí - lợi ích, thì đều là điều điên rồ" - John Delury, Phó giáo sư về nghiên cứu quốc tế của Đại học Yonsei (Hàn Quốc) - nói.

Với tuyên bố gia tăng trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, quan hệ Mỹ-Triều Tiên đã bước đến lằn ranh đỏ.

5. Triều Tiên sẽ trả đũa thế nào?

Phản ứng tức thời nhất có thể là cuộc tấn công lớn bằng pháo binh vào Seoul của Hàn Quốc và các vùng lân cận. Các hệ thống pháo binh của Triều Tiên dọc biên giới có thể được khai hỏa nhanh chóng hơn, hoặc hải quân, tên lửa đạn đạo lớn hơn với đầu đạn hạt nhân, hóa học và sinh học cũng sẽ nhắm mục tiêu vào các căn cứ của Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc Mỹ. Những quốc gia này có hệ thống phòng thủ tên lửa và hỏa lực tại chỗ song không thể đảm bảo rằng họ sẽ bắn hạ được mọi thứ.

Nhật Bản đã bắt đầu đưa ra lời khuyên cho công dân của mình về việc phải làm gì trong trường hợp một tên lửa bắn sát gần họ. Các công ty vũ khí Mỹ thì bắt đầu tiếp thị tên lửa.

Và Mỹ có thêm một lo lắng nữa là không biết liệu hệ thống phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ có thể chống lại tên lửa liên lục địa ICBM mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên khi nó tấn công vào các thành phố như Denver hay Chicago, cho dù cũng chưa chắc tên lửa của Triều Tiên có vươn tới đó hay không.

6. Gánh nặng kinh tế

Nền kinh tế Hàn Quốc chiếm tỉ trọng 1,9% kinh tế thế giới. Sự sụt giảm nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh do cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng trong khu vực cũng như toàn cầu. Thị trường tài chính toàn cầu cũng sẽ phải chịu cú sốc lớn trong ngắn hạn.

"Cuộc khủng hoảng nhân đạo và tái thiết kinh tế trên bán đảo Triều Tiên sau cuộc chiến hạt nhân như vậy sẽ đòi hỏi sự hợp tác quốc tế ở quy mô lớn do Trung Quốc, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) dẫn đầu. Như vậy, sẽ mất hơn một thập kỷ để xây dựng lại nền kinh tế" - Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Hãng tư vấn HIS Global Insight, nói.

7. Còn lại những lựa chọn nào?

Nhiều nhà phân tích nói rằng đã đến lúc tiến hành các cuộc đàm phán để ngăn chặn tình trạng tồi tệ hơn. Ông Jeffrey Lewis cho rằng nên giảm bớt các cuộc tập trận quân sự quanh bán đảo Triều Tiên do Mỹ đứng đầu.

Điều mà Mỹ có thể đề xuất với Triều Tiên "đối thoại, thay vì tưởng tượng về các kịch bản chiến tranh", ông John Delury nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn