MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỹ giúp Việt Nam giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm động, thực vật hoang dã bất hợp pháp. Ảnh: USAID/Vietnam

Mỹ tài trợ giúp Việt Nam tăng cường bảo vệ các loài hoang dã

Ngọc Vân LDO | 27/08/2021 15:57
Việt Nam là một đối tác quan trọng của Mỹ về chống buôn bán động, thực vật hoang dã trái pháp luật.

Ngày 27.8, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tổ chức lễ tổng kết dự án phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã (dự án USAID Saving Species) do USAID tài trợ.

Trong 5 năm qua (2016-2021), dự án USAID Saving Species đã hỗ trợ hiệu quả Chính phủ Việt Nam về cải thiện và thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới bảo vệ các loài hoang dã, tăng cường thực thi pháp luật, truy tố tội phạm về các loài hoang dã và giảm nhu cầu và tiêu thụ bất hợp pháp các loài hoang dã. 

Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock phát biểu tại lễ tổng kết dự án. Ảnh: USAID/Vietnam

“USAID tự hào hỗ trợ Việt Nam giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm động, thực vật hoang dã bất hợp pháp, tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật và truy tố, xét xử các vụ vi phạm về động, thực vật hoang dã, cũng như hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp pháp lý để chống tội phạm về động, thực vật hoang dã ở Việt Nam. Việt Nam là một đối tác quan trọng của Mỹ về chống buôn bán động, thực vật hoang dã trái pháp luật” - Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock phát biểu tại lễ tổng kết. 

PGS.TS Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát biểu tại lễ tổng kết dự án. Ảnh: USAID/Vietnam

PGS.TS Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh: “Nỗ lực chung của USAID và Chính phủ Việt Nam thông qua dự án USAID Saving Species đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ các loài động vật hoang dã ở Việt Nam và duy trì các dịch vụ sinh thái quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của quốc gia và khu vực”.

Một học viên tham gia khoá học về bảo tồn các loài hoang dã do dự án tổ chức. Ảnh: USAID/Vietnam

Dự án cũng tập huấn cho hơn 2.600 cán bộ thuộc các ngành kiểm lâm, hải quan, cảnh sát môi trường, quản lý các chợ bán hàng tươi sống, bộ đội biên phòng, tòa án, kiểm sát về các kỹ năng và kiến thức liên quan tới xử lý các loại tội phạm về bảo vệ các loài hoang dã. So với số liệu ở giai đoạn bắt đầu dự án, tỉ lệ truy tố, xét xử trên số vụ bắt giữ các vụ việc vi phạm về bảo vệ các loài hoang dã đã tăng từ 25% năm 2018 lên 75% năm 2021. 

Bên cạnh đó, dự án USAID Saving Species phối hợp với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam đã triển khai 3 chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi trên quy mô lớn nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ các loài hoang dã với đối tượng mục tiêu là những người sử dụng sản phẩm từ ngà voi, sừng tê giác và tê tê, đồng thời khuyến khích các thầy thuốc đông y giảm việc sử dụng các vị thuốc từ động, thực vật hoang dã trong trị bệnh bằng y học cổ truyền. 

Dự án USAID Saving Species hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam sử dụng thiết bị bay không người lái kết hợp phần mềm để giám sát tê tê tại Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) và Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Ảnh: USAID/Vietnam

Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng gần đây cho thấy, những người nhận được thông điệp truyền thông của dự án có xu hướng giảm nhu cầu mua các sản phẩm từ ngà voi, sừng tê giác và tê tê so với trước khi triển khai các chiến dịch. 

Trong nhóm đối tượng tham gia khảo sát có thu nhập cao, tỉ lệ người mua ngà voi giảm từ 16% năm 2018 xuống còn 9% năm 2021; số lượng người mua sừng tê giác và các sản phẩm từ tê tê đã giảm từ 8% năm 2018 xuống còn 6% năm 2021.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn