MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thung lũng Chết ở California, Mỹ, nóng nhất trái đất cuối tuần qua. Ảnh: AFP

Mỹ trải qua ngày nóng nhất trái đất từng được ghi nhận

Song Minh LDO | 18/08/2020 09:30
Bang California, Mỹ, vừa trải qua ngày có nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận trên trái đất.

Các quan chức cho biết nhiệt độ 54,4 độ C trong bóng râm tại Thung lũng Chết ở bang California, Mỹ, có thể là nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận trên trái đất bằng các thiết bị hiện đại.

Theo AFP, nhiệt độ được ghi nhận lúc 3h41 ngày 16.8 tại Trung tâm Du khách Furnace Creek trong Công viên quốc gia Thung lũng Chết bằng một hệ thống quan sát tự động - nhiệt kế điện tử được đặt bên trong hộp trong bóng râm.

Năm 1913, một trạm thời tiết cách đó nửa giờ đi bộ đã ghi lại mức chính thức giữ kỷ lục thế giới là 56,7 độ C. Nhưng mức nhiệt này bị tranh cãi vì một trận bão cát quá nóng vào thời điểm đó có thể đã làm sai lệch kết quả.

Nhiệt độ cao nhất tiếp theo được thiết lập vào tháng 7.1931 ở Kebili, Tunisia, là 55 độ C - nhưng một lần nữa, độ chính xác của các thiết bị cũ kỹ đã bị một số nhà sử học thời tiết nghi ngờ.

Trong năm 2016 và 2017, các trạm thời tiết ở Mitribah, Kuwait và Turbat, Pakistan ghi nhận nhiệt độ 54 độ C. Sau khi Tổ chức Khí tượng Thế giới đánh giá, cả hai đều bị hạ một vài phần nhỏ.

Tổ chức Khí tượng Thế giới có trụ sở tại Geneva cho biết hôm 17.8, họ sẽ bắt đầu quá trình xác minh cách ghi nhận nhiệt độ mới của Mỹ.

"Nhiệt độ cao này được coi là sơ bộ và chưa chính thức" - Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cho biết.

Dan Berc, một quan chức tại văn phòng NWS Las Vegas, nói với AFP rằng, cảm biến sẽ được mang đến để đánh giá. Cuộc điều tra sẽ kéo dài "ít nhất vài tháng", ông nói và cho biết thêm: "Khi còn nhỏ, tôi nghĩ 54,4 độ C là một kỷ lục thực sự tuyệt vời".

Miền tây nam nước Mỹ hiện đang phải chịu đựng một đợt nắng nóng dữ dội, các nhà khoa học cho rằng nắng nóng đang trở nên thường xuyên và nguy hiểm hơn do sự thay đổi khí hậu do con người gây ra.

Trên toàn thế giới, 5 năm nóng nhất trong lịch sử đã xảy ra trong 5 năm qua.

Theo Thỏa thuận Paris năm 2015, các quốc gia cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ xuống "thấp hơn" 2 độ C, chủ yếu thông qua việc cắt giảm khí thải.

Những mục tiêu này được coi là rất quan trọng để ngăn chặn việc kích hoạt một loạt các "điểm bùng phát" có thể gây ra sự nóng lên không thể đảo ngược của hành tinh vào cuối thế kỷ này, khiến các dải đất rộng lớn trên hành tinh trở thành nơi không thể sống được đối với con người và động vật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn