MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỹ tuyên bố ngừng tập trận với Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Mỹ - Triều Tiên diễn biến tích cực sau hội nghị thượng đỉnh

NGẠC NGƯ LDO | 18/06/2018 09:19
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un ngày 12.6 vừa qua ở Singapore với kết quả là thoả thuận giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un đã tạo nên bước ngoặt lịch sử cho mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.

Thoả thuận ấy bao hàm những nội dung chưa được cụ thể nên tính khả thi của nó bị nghi ngờ không ít trên thế giới. Từ sau sự kiện ấy, giữa Triều Tiên với Mỹ và với Hàn Quốc đã có những động thái mới và chúng đều tác động tích cực cho những bước đi tiếp theo của tiến trình hoà giải và hoà bình này.

Chủ ý thực hiện thỏa thuận

Điều quan trọng nhất và đáng kể nhất là, cả 3 bên tiếp tục có cách tiếp cận tích cực và xây dựng, đều thể hiện chủ ý thực hiện những gì đã thoả thuận với nhau và đều muốn dùng kết quả cụ thể để khích lệ nhau kiên định định hướng đã cùng nhau lựa chọn cho tiến trình.

Trong trả lời phỏng vấn ngay khi còn ở Singapore, ông Donald Trump đã quyết định ngừng các cuộc tập trận chung của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản ở khu vực Đông Bắc Á, và cho biết, ông Kim Jong-un đã thông báo về quyết định của Triều Tiên ngừng hoạt động 1 khu thử nghiệm tên lửa lớn của Triều Tiên. Sau đó, phía Mỹ cho biết, việc ngừng tập trận là vô thời hạn và ông Donald Trump công khai tuyên bố không còn coi Triều Tiên là mối đe doạ hạt nhân nữa.

Điều này đáng được chú ý trên 2 phương diện. Thứ nhất, những cuộc tập trận chung của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản ở khu vực Đông Bắc Á từ xưa tới nay là một trong những nguyên do, nếu như không phải là nguyên do chính, được phía Triều Tiên đưa ra để biện luận cho chủ ý phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân. Triều Tiên coi chúng là mối đe doạ an ninh trực tiếp. Trong thoả thuận giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un ở Singapore có cam kết của Mỹ về đảm bảo an ninh cho Triều Tiên. Phía Mỹ biết rất rõ yêu cầu cụ thể của Triều Tiên về nội dung này là gì.

Chấm dứt tập trận quân sự và triệt thoái quân đội Mỹ hiện đang được triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc (28.000 binh lính) - đương nhiên không ngay lập tức - là 2 trong những nội hàm không thể thiếu của cam kết đảm bảo an ninh này của Mỹ cho Triều Tiên. Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên và Mỹ thực hiện cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên là 2 việc liên quan hữu cơ với nhau, cái này chi phối và quyết định cái kia. Chúng được thực thi trong khuôn khổ 1 quá trình bao gồm nhiều bước đi và giai đoạn, vì cả 2 phía đều cần thời gian và tiến triển cụ thể để gây dựng, củng cố và tăng cường lòng tin lẫn nhau. Chỉ cần bên này không thực hiện nghiêm chỉnh những gì đã thoả thuận và cam kết thì bên kia sẵn sàng lặp lại những biện pháp chính sách trước đó. Vì thế, Mỹ sẽ chưa nới lỏng ngay những biện pháp trừng phạt Triều Tiên và Triều Tiên cũng không đòi hỏi Mỹ phải nới lỏng hay huỷ bỏ những biện pháp này rồi mới đi những bước đầu tiên về phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Nhưng một khi Triều Tiên đã có những bước chuyển cụ thể nhất định thì phía Mỹ cũng sẽ phải dần thay đổi chính sách trừng phạt Triều Tiên.

Thứ hai, ông Donald Trump quyết định ngừng tập trận chung ở khu vực này trước khi tham vấn Hàn Quốc và Nhật Bản. Ở đây, ông Donald Trump chủ ý thể hiện vị thế ảnh hưởng và vai trò quyết định của phía Mỹ để khích lệ Triều Tiên.

Chiều hướng tích cực

Sau cuộc cấp cao Mỹ - Triều Tiên ở Singapore, Bình Nhưỡng và Seoul tiếp tục thúc đẩy thực hiện thoả thuận giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 vào ngày 27.4 vừa qua. Quân đội 2 nước đã nối lại kênh thông tin liên lạc cần thiết và phía Hàn Quốc đã đề nghị phía Triều Tiên cùng triệt thoái vũ khí hạng nặng ra xa khu vực ranh giới phi quân sự tạm thời.

Cả Nga, Trung Quốc và Nhật Bản cũng can dự ngày càng trực tiếp hơn và nhiều hơn vào tiến trình hoà bình giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã đi Trung Quốc. Nhật Bản và Nga đã đề cập đến khả năng có những cuộc cấp cao với Triều Tiên. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng trao đổi với nhau về vấn đề Triều Tiên.

Tất cả những diễn biến mới nói trên đều là hệ luỵ của chuyển biến nhanh chóng trong quan hệ của Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc. Có thể nhận thấy chiều hướng tích cực ở cả trong tiến trình do 3 đối tác này trực tiếp vận hành lẫn vai trò và sự tham gia của các đối tác khác là Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Một phía muốn thúc đẩy để đi được xa hơn và tiến trình không còn có thể bị đảo ngược. Một phe muốn có vai trò trong tiến trình và có phần trong tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn