MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mỹ - Trung khó đạt thoả thuận thương mại “giai đoạn 1” trong 2019

Khánh Minh LDO | 22/11/2019 11:15

Việc hoàn tất thoả thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể đạt được trong năm nay, do chính quyền của Tổng thống Donald Trump đặt ra những yêu cầu cao hơn trong khi Bắc Kinh hối thúc dỡ bỏ thuế quan sâu rộng hơn.

Hồi tháng này, Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, một thoả thuận thương mại ban đầu giữa Mỹ và Trung Quốc có thể được ký kết trong vòng 5 tuần. Nhưng 5 tuần sau, chưa thấy hình hài của một thoả thuận nào như vậy, thậm chí các cuộc đàm phán có thể ngày càng phức tạp hơn - các chuyên gia thương mại quen thuộc với tình hình nhận định.

Hôm 20.11, khi được hỏi về tình trạng của thoả thuận với Trung Quốc, Reuters dẫn lời Tổng thống Donald Trump phát biểu với báo giới khi tới thăm một cơ sở sản xuất máy tính cho Apple tại Texas rằng: “Trung Quốc muốn đạt thoả thuận thương mại hơn Mỹ, nhưng tôi chưa muốn làm điều đó, vì Trung Quốc vẫn chưa thực sự đẩy mạnh đàm phán lên mức mà tôi mong muốn”.

Theo một nguồn tin, Tổng thống Donald Trump và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhận ra rằng, việc hoãn thuế để đạt thoả thuận không giải quyết được các vấn đề cốt lõi là sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ và sẽ không được coi là một thoả thuận tốt cho Mỹ.

Ngày 21.11, Phó Chủ tịch Nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ và tái khẳng định cam kết của Trung Quốc để thị trường đóng vai trò quyết định.

Phát biểu của ông Vương Kỳ Sơn được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng về nhiều vấn đề khiến cho việc đạt được thoả thuận thương mại giai đoạn 1 ngày càng khó khăn. Ngày 20.11, Hạ viện Mỹ thông qua 2 dự luật về vấn đề Hồng Kông mà Thượng viện đã thông qua 1 ngày trước đó. Tổng thống Donald Trump có 10 ngày để ký ban hành thành luật, trừ khi nhà lãnh đạo Mỹ sử dụng quyền phủ quyết.

Theo dự luật về “Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông”, Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải xác nhận ít nhất mỗi năm 1 lần rằng Hồng Kông vẫn duy trì được mức độ tự trị đủ để đảm bảo được hưởng quy chế thương mại đặc biệt mà Mỹ trao cho đặc khu. Quy chế này giúp Hồng Kông tránh các loại thuế quan mà Mỹ áp đặt lên hàng hoá Trung Quốc từ năm ngoái. Trong khi đó, dự luật thứ hai tập trung vào việc cấm xuất khẩu một số loại vũ khí và đạn dược kiểm soát đám đông như hơi cay, đạn caosu và súng điện cho cảnh sát Hồng Kông.

Trước động thái này của Mỹ, Trung Quốc đã cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả nếu dự luật được ký để ban hành thành luật. “Vấn đề Hồng Kông chắc chắn là một nhân tố tiêu cực trong các cuộc đàm phán thương mại” - ông Zhang Yansheng, nhà nghiên cứu chính tại Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mới ngày 21.11.

Một số chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan về việc đạt được thoả thuận vào cuối năm nay. Cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Tài chính Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer với Phó Thủ tướng Lưu Hạc hôm 16.11 được Tân Hoa Xã mô tả là “tích cực”. Một tín hiệu lạc quan nữa là chính phủ Mỹ bắt đầu cấp giấy phép cho một số công ty cung cấp thiết bị cho tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Huawei, vốn bị nằm trong danh sách đen của Mỹ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn