MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản đã nhất trí nối lại đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: AFP

Mỹ, Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại vào tuần tới

Song Minh LDO | 06/07/2019 06:52

Giới chức thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đang thu xếp để nối lại đàm phán vào tuần tới nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài cả năm qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đàm phán qua điện thoại

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết, các nhóm thương mại của Trung Quốc và Mỹ đang liên lạc để chuẩn bị cho việc nối lại đàm phán sắp tới. Người phát ngôn nhấn mạnh, các mức thuế quan hiện tại của Mỹ đánh vào hàng hoá Trung Quốc phải được gỡ bỏ nếu có thoả thuận thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.

Để nối lại đàm phán, Tổng thống Donald Trump đã đồng ý không áp thuế thêm với khoảng 300 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, đồng thời nới lỏng trừng phạt với hãng công nghệ Huawei. Hiện tại Mỹ đang áp thuế 25% với 250 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc, từ đồ nội thất đến chất bán dẫn. “Trung Quốc hoan nghênh quyết định của Mỹ không áp dụng thuế quan mới” - ông Cao Phong trả lời khi được hỏi thoả thuận đình chiến thương mại có thể kéo dài bao lâu.

Phía Mỹ cũng xác nhận thời điểm nối lại đàm phán với Trung Quốc. “Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục sớm nhất vào tuần tới” - Reuters dẫn lời Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói. Một quan chức Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ sau đó cho biết đang trong quá trình thu xếp một cuộc đàm phán qua điện thoại với giới chức Trung Quốc vào tuần sau.

Các nhà đàm phán chủ chốt của Mỹ là Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, trong khi nhà đàm phán trưởng của Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc.

Ông Kudlow không nói rõ thời điểm nối lại các cuộc đối thoại trực tiếp, chỉ cho biết sẽ sớm diễn ra và sẽ có thông báo sau. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng nhấn mạnh, “chúng tôi sẽ không dỡ bỏ thuế quan trong các cuộc đàm phán. Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ chấm dứt cuộc chiến bằng cách mua nhiều hàng nhập khẩu của Mỹ”.

Nhân tố Huawei

Theo Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kudlow, mối quan tâm toàn diện về Huawei sẽ là một phần của các cuộc đàm phán mới giữa hai nước. Việc dỡ bỏ một phần hạn chế với Huawei cũng là một trong những điểm nổi bật nhất trong thoả thuận giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản để hướng tới nối lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ. Tuy nhiên, ông Kudlow cho biết, quyết định của Tổng thống Donald Trump cho phép Huawei mua sản phẩm của các nhà cung cấp Mỹ sẽ chỉ áp dụng cho những sản phẩm phổ biến trên toàn cầu và hạn chế đối với các thiết bị nhạy cảm.

Bộ Thương mại Mỹ hôm cũng cho biết đang xem xét yêu cầu cấp phép xuất khẩu cho Huawei và sẽ thông báo cho các công ty Mỹ sau khi hoàn tất đánh giá hồ sơ. Cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro cũng lặp lại ý kiến tương tự của ông Kudlow là chính phủ sẽ cho phép bán chip công nghệ thấp, mà không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, cho Huawei.

Trong một diễn biến khác, các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầm thẩm phán liên bang ở Sherman, Texas, bãi bỏ vụ kiện của Huawei với chính phủ Mỹ hồi tháng 3. Trong hồ sơ đệ trình lên toà án, Huawei đề nghị xem xét tính hợp hiến của Điều 899 trong Đạo luật Uỷ quyền Quốc phòng (NDAA) được Tổng thống Donald Trump ký hồi tháng 8.2018, trong đó cấm các cơ quan liên bang và nhà thầu Mỹ mua thiết bị và dịch vụ từ Huawei. Vụ kiện này liên quan đến khả năng Huawei bán thiết bị vào thị trường Mỹ và tách biệt với việc chính phủ Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen, cấm công ty mua linh kiện của các nhà cung cấp Mỹ.

Mỹ đã tham gia vào một chiến dịch toàn cầu để ngăn chặn Huawei tham gia vào mạng không dây 5G với lý do “đe doạ an ninh”. Chính phủ của Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc có thể sử dụng các thiết bị của Huawei để do tham các nước. Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro hôm nhắc lại rằng, sự tham gia của Huawei vào mạng 5G vẫn là “mối lo ngại an ninh quốc gia”, nhưng việc bán “một số lượng nhỏ chip cấp độ thấp không phải là tồi nếu điều đó thuyết phục được Trung Quốc quay lại bàn đàm phán thương mại”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn