MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc gặp gỡ song phương của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (bên trái) và Ngoại trưởng Anh Dominic Raab (bên phải) tại thủ đô London ngày 3.5. Ảnh: AFP

Mỹ và Anh bác bỏ tuyên bố của Iran về thỏa thuận trao đổi tù nhân

Bảo Châu LDO | 04/05/2021 10:03
Mỹ và Anh đã bác bỏ các báo cáo từ Iran rằng họ đang thực hiện một thỏa thuận trao đổi tù nhân với Tehran.

AP đưa tin, ngày 3.5 tại thủ đô London đã diễn ra một cuộc thảo luận song phương giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh Dominic Raab. Iran là chủ đề chính trong cuộc thảo luận này, diễn ra một ngày trước cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên sau 2 năm đại dịch COVID-19 của các Ngoại trưởng nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu (G7).

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều đồn đoán về một thỏa thuận trao đổi tù nhân với Iran, tại cuộc họp báo sau khi gặp gỡ với Ngoại trưởng Anh, ông Blinken tuyên bố: “Các báo cáo từ Tehran là không chính xác”. Theo ông Blinken, “không có ưu tiên nào cao hơn” ngoài việc đưa tất cả những người Mỹ bị giam giữ về nước.

Ngoại trưởng Mỹ nói: “Nói rộng hơn, chúng ta phải có quan điểm chống lại việc tùy tiện giam giữ công dân vì mục đích chính trị''.

Về phần mình, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng bác bỏ khả năng sắp xảy ra một bước đột phá khi các báo cáo ở Iran nói rằng Anh sẽ trả khoản nợ 400 triệu bảng Anh (tương đương 550 triệu USD) để đổi lấy việc thả Zaghari-Ratcliffe - một nữ công dân mang cả 2 quốc tịch Anh-Iran bị Iran bắt giữ với tội danh chống lại nhà nước này.

Ông Raab nhấn mạnh, chính phủ Anh đang làm việc "rất tích cực" về việc trả tự do cho các công dân Anh bị giam giữ ở Iran.

“Tôi muốn nói rằng Iran có trách nhiệm trả tự do vô điều kiện cho những người bị giam giữ một cách tùy tiện và theo quan điểm của chúng tôi là bất hợp pháp” - Ngoại trưởng Raab cho hay.

Ở Anh, công chúng đặc biệt quan tâm đến số phận của Zaghari-Ratcliffe. Cô bị kết án thêm 1 năm tù vào tuần trước với tội danh “tuyên truyền chống lại nhà nước Iran”.

Hai nhà ngoại giao của Mỹ và Anh cũng thảo luận một loạt các chủ đề, về các lệnh trừng phạt đối với công dân Nga, biến đổi khí hậu và quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan của Tổng thống Joe Biden. Vấn đề Nga và Ukraina cũng nằm trong chương trình nghị sự.

Vào 4.5, các nhà ngoại giao hàng đầu của toàn bộ nhóm G7 - bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh và Mỹ - sẽ gặp gỡ những người đồng cấp của họ từ các quốc gia được lựa chọn khác, bao gồm Australia, Ấn Độ và Nam Phi.

Trước cuộc họp, Văn phòng Ngoại giao Anh cho biết, các bộ trưởng G7 sẽ đầu tư 15 tỉ USD vào tài chính phát triển trong hai năm tới để giúp phụ nữ ở các nước đang phát triển tiếp cận việc làm, xây dựng các doanh nghiệp có khả năng phục hồi và phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Họ cũng dự kiến cam kết đưa thêm 40 triệu trẻ em gái đến trường và thêm 20 triệu trẻ em gái dưới 10 tuổi được đọc sách ở các quốc gia nghèo hơn vào năm 2026.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn