MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong 40 năm là 8,6%. Ảnh: AFP

Mỹ và thế giới tìm cách kiềm chế lạm phát cao kỷ lục

Hải Anh LDO | 16/06/2022 07:29

Lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong 40 năm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là xem xét việc tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, mức tăng lớn hơn so với dự kiến, trong cuộc họp tuần này. 

Lạm phát cao nhất 40 năm

Lạm phát ở Mỹ vào tháng 5 bất ngờ tăng tốc lên mức cao nhất trong 40 năm là 8,6%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,6% so với một năm trước đó, dữ liệu Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10.6. Thước đo lạm phát được theo dõi rộng rãi này đã tăng 1% so với một tháng trước đó, vượt tất cả các ước tính. CPI lõi (Core CPI), bao gồm các thành phần thực phẩm và năng lượng, đã tăng 0,6% so với tháng trước và 6% so với một năm trước, cũng cao hơn dự báo.

Axios ngày 14.6 chỉ ra, lạm phát ở Mỹ cao nhất 4 thập kỷ nhưng nước này không đơn độc. Giá cả tăng vọt thực sự là hiện tượng toàn cầu. Một phân tích về lạm phát trên 111 quốc gia do Deutsche Bank thực hiện cho thấy, tỉ lệ lạm phát của Mỹ ở khoảng giữa. Trong số các nước này, tỉ lệ trung bình là lạm phát 7,9% so với cùng kỳ năm trước đó, tăng gấp đôi so với mức 3,0% của một năm trước, phần lớn là do năng lượng và thực phẩm tăng vọt.

Dù lạm phát nói chung ở mức cao trên toàn thế giới, nhưng ở những nền kinh tế lớn của Châu Á như Trung Quốc (+2,1%) và Nhật Bản (+2,5%), lạm phát lại thấp hơn dù cả 2 nước đều ghi nhận lạm phát tăng trong năm nay. 

Theo Wall Street Journal, một phần lạm phát thấp hơn của Trung Quốc là do hoạt động kích thích tương đối hạn chế của Bắc Kinh trong thời kỳ đại dịch, kiểm soát giá mạnh mẽ và nhu cầu tiêu dùng yếu. Trong khi đó, Hàn Quốc có mức tăng lạm phát mạnh nhất trong 14 năm vào tháng 5, lên 5,4%. Tổng thống Yoon Suk-yeol cảnh báo về "cơn bão" kinh tế sắp tới.

Trong khi các quốc gia trên thế giới đang tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan vẫn kiên quyết cắt giảm lãi suất. Tỉ lệ lạm phát chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ là 74% - cao nhất trong G20 và nó có khả năng trên thực tế còn cao hơn. Tiếp sau Thổ Nhĩ Kỳ là Argentina (+58%) và quốc gia Nam Mỹ này đã in tiền để bù đắp thâm hụt. Một số nền kinh tế lớn nhất ở Mỹ Latinh và Châu Phi cũng đang ghi nhận mức lạm phát 2 con số.

Điều đáng lưu ý là, giá thực phẩm đang ở mức cao kỷ lục, theo chỉ số của Ngân hàng Thế giới và đã tăng mạnh kể từ chiến sự Nga - Ukraina hồi tháng 2. Việc giá năng lượng và lương thực tăng song song đang ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các nước đang phát triển.

Fed xem xét tăng lãi suất 0,75%

Trong bối cảnh loạt báo cáo lạm phát đáng lo ngại trong những ngày gần đây, Wall Street Journal ngày 14.6 cho hay, có khả năng các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xem xét mức tăng lãi suất 0,75%, mức cao hơn dự kiến. Các quan chức bắt đầu giai đoạn cấm tiết lộ thông tin trước cuộc họp từ ngày 4.6 trước đã ra tín hiệu cho thấy sự sẵn sàng để tăng lãi suất thêm 0,5% trong tuần này và tăng thêm lần nữa trong cuộc họp vào tháng 7. Các quan chức cũng lưu ý, triển vọng của các động thái này còn tùy thuộc vào diễn biến của nền kinh tế. Tuy nhiên, báo cáo lạm phát tuần trước từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy giá cả trong tháng 5 tăng vọt hơn so với dự đoán của giới chức. 

Fed đã tăng lãi suất thêm 0,5% tại cuộc họp vào tháng trước, lần tăng đầu tiên kể từ năm 2000. 

Tại một cuộc họp báo vào tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, ngân hàng trung ương sẽ "nỗ lực tránh gây thêm bất ổn" nhưng cũng thừa nhận khả năng có thêm những bất ngờ hơn nữa trong dữ liệu lạm phát.

Một số nhà dự báo tại Phố Wall, bao gồm cả tại các ngân hàng đầu tư Barclays và Jefferies, nhận định ngày 10.6 rằng, sau khi dữ liệu lạm phát được công bố, dự kiến ​​Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% trong tuần này. Chiều 13.6, các nhà dự báo khác, bao gồm JPMorgan Chase & Co và Goldman Sachs cũng dự kiến ​​lãi suất sẽ tăng 0,75% trong tuần này.

Cây viết Nick Timiraos của Wall Street Journal chỉ ra, giới chức sẽ phải cân nhắc một số vấn đề trong cuộc họp kéo dài 2 ngày bắt đầu từ 14.6, giờ Mỹ. 

Họ có thể kiên trì với chiến lược hiện tại là tăng lãi suất ở mức 0,5% vô thời hạn cho đến khi nhận thấy các dấu hiệu cho thấy lạm phát giảm dần. Lộ trình tăng lãi suất như vậy sẽ nâng lãi suất chuẩn của Fed lên phạm vi từ 2,25% đến 2,5% vào tháng 9 và dao động trong khoảng 3,25% đến 3,5% vào tháng 12. Cuộc họp tiếp theo của Fed dự kiến diễn ra ngày 26-27.7.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn