MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thăm Afghanistan hôm 27.9. Ảnh: Getty

Mỹ vật lộn với chiến lược mới ở Afghanistan

VÂN ANH LDO | 29/09/2017 11:11

Âm mưu tấn công ám sát nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại sân bay Kabul hôm 27.9 diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Mỹ vẫn đang vật lộn với chiến lược mới cho cuộc xung đột ở Afghanistan.

Taliban hay IS?

Trong vụ tấn công, chiến binh nổi dậy Afghanistan bắn ít nhất 40 loạt đạn vào sân bay quốc tế Kabul. Vài giờ trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cùng Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đặt chân xuống sân bay này trong chuyến thăm bất ngờ Afghanistan, không báo trước thời gian chính xác vì những lo ngại về an ninh. Một phát ngôn viên của lực lượng Taliban lập tức đăng trên Twitter nói rằng, vụ tấn công là nhằm vào máy bay của ông Mattis. Cùng lúc, IS cũng tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công.

Không có dấu hiệu nào cho thấy Bộ trưởng Mattis hay nhân viên Mỹ gặp nguy hiểm bởi vụ tấn công. Nhưng ngay sau đó, quân đội Mỹ trả đũa bằng một vụ không kích để hỗ trợ một đơn vị chống khủng hoảng trên bộ của Afghanistan, nhưng một trong số tên lửa bị trục trặc nên đã làm một dân thường thiệt mạng và 11 người khác bị thương.

Cùng ngày, phát biểu bên cạnh Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, ông Mattis gọi vụ tấn công sân bay là “hành động tội ác của những kẻ khủng bố”. “Đây là cách định nghĩa kinh điển về những gì Taliban đã và đang thực hiện. Trên thực tế, chúng sẽ bị lực lượng đặc nhiệm Afghanistan tiếp tục tấn công ở từng ngõ ngách. Vì đậy, đó là lý do vì sao chúng tôi có mặt ở đây, và chúng tôi không nghi ngờ về những gì chúng tôi đang làm ở đây” - ông Mattis nói.

Mơ hồ chiến lược mới

Chuyến thăm của Bộ trưởng Mattis diễn ra hơn một tháng sau khi Tổng thống Donald Trump công bố chiến lược mới của Chính phủ Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan nói riêng và an ninh Nam Á nói chung. Tuy nhiên, bài phát biểu hôm 21.8 của ông Donald Trump dường như chỉ lặp lại những ý tưởng cũ, và đáng lo ngại hơn, nó mơ hồ và mâu thuẫn, không đưa ra dấu hiệu rõ ràng về việc cuộc chiến cuối cùng sẽ kết thúc như thế nào.

“Rốt cuộc thì chính người Afghanistan sẽ đảm nhận quyền sở hữu tương lai của họ, lãnh đạo xã hội của họ và đạt được một nền hòa bình vững chắc. Chúng tôi là đối tác và bạn bè, nhưng chúng tôi không áp đặt người dân Afghanistan phải sống hay lãnh đạo xã hội phức tạp của mình như thế nào. Chúng tôi chỉ tiêu diệt những kẻ khủng bố” - AP dẫn lời Tổng thống Donald Trump phát biểu hôm 21.8.

Mặc dù tuyên bố như trên, song ông Donald Trump lại hứa hẹn một cách tiếp cận toàn diện của cả chính phủ, bao gồm các nỗ lực ngoại giao và kinh tế, cũng như tăng cường quân sự. Ông cũng khẩn cầu các đồng minh, chủ yếu là Ấn Độ, tăng cường hỗ trợ phát triển kinh tế cho Afghanistan.

Phần lớn các nội dung trong tầm nhìn mới của ông Donald Trump có vẻ mang tính chiến thuật nhiều hơn là chiến lược. Nói một cách rõ ràng nhất, “chiến lược” tập trung chủ yếu vào việc nới lỏng các “hạn chế” về cách thức và thời điểm lực lượng Mỹ và đối tác có thể tiến hành hoạt động. Nhiều người giải thích điều này là ý định nhằm giảm bớt chú ý vào số thương vong dân sự, giống như chính quyền của ông Donald Trump đã thực hiện ở Syria, Iraq và các nơi khác.

Động thái cụ thể nhất nhằm hiện thực hoá chiến lược mới của Tổng thống Donald Trump là việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 31.8 công bố đã ký quyết định triển khai thêm 3.900 quân đến Afghanistan, bổ sung vào 8.400 binh sĩ hiện tại. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Rob Manning nói với tờ Washington Post rằng, các kế hoạch vẫn đang được triển khai để đạt được mục tiêu chiến lược của tổng thống.

Ngoài tăng binh sĩ, quân đội Mỹ cũng điều thêm tiêm kích cơ F-16 và máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135 đến Afghanistan. Việc sử dụng máy bay ném bom B-52 từ căn cứ Al Udeid ở Qatar, bắt đầu từ tháng 3.2017, cũng tiếp tục gia tăng.

Sẽ không có gì đáng nói nếu trước và trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump thể hiện quan điểm kêu gọi rút quân khỏi Afghanistan, thậm chí từng chỉ trích việc Mỹ tham chiến ở quốc gia này “tốn quá nhiều máu, thời gian và tiền bạc”, trong khi số tiền ấy cần được sử dụng để tái thiết Mỹ.

Theo tờ Workers World, chính quyền Mỹ dự kiến can thiệp ở Afghanistan thêm 10 năm nữa, trong khi đến tháng tới, cuộc chiến của Mỹ ở nước này đã bước sang năm thứ 17. Với mục đích ban đầu là lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan sau vụ tấn công ngày 11.9.2001, đã qua ba đời tổng thống, nhưng đến nay Mỹ không những chưa giải quyết xong mà còn sa lầy hơn vào cuộc chiến ở đất nước Hồi giáo này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn