MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Đại sứ Na Uy Mette Møglestue. Ảnh: Đại sứ quán Na Uy

Na Uy chia sẻ kinh nghiệm về đồng xử lý chất thải trong ngành xi măng

Thanh Hà LDO | 30/09/2022 16:08
Na Uy có thể giúp ngành xi măng Việt Nam nâng cao năng lực xử lý chất thải nhựa không thể tái chế và góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. 

Ngày 29.9, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, Tổ chức nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Na Uy (SINTEF) phối hợp với Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) đã tổ chức Hội thảo đồng xử lý các nhiên liệu thay thế và nguyên liệu thô trong ngành xi măng tại Việt Nam.

Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đồng xử lý chất thải trong ngành công nghiệp xi măng, cũng như các kết quả của cuộc trình diễn gần đây sử dụng chất thải nhựa không thể tái chế tại nhà máy INSEE ở Hòn Chông, Kiên Giang, từ đó thảo luận về tiềm năng đồng xử lý trong tương lai của ngành xi măng Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Phó Đại sứ Na Uy Mette Møglestue cho biết: “Na Uy và Việt Nam, cũng như các thành viên tham gia Thỏa thuận Paris, đều cam kết mạnh mẽ trong việc chống biến đổi khí hậu và thực hiện các Đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDC) nhằm giảm phát thải Khí nhà kính (GhG). Để đạt mục tiêu này cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực".

Phó Đại sứ Na Uy Mette Møglestue chia sẻ thêm: "Thông qua Dự án OPTOCE do Chính phủ Na Uy tài trợ và đang được thực hiện tại 5 quốc gia Châu Á trong đó có Việt Nam, chúng tôi hy vọng Na Uy có thể giúp ngành xi măng Việt Nam nâng cao năng lực xử lý chất thải nhựa không thể tái chế và góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam”.

Tiến sĩ nhà khoa học Kåre Helge Karstensen của SINTEF, người đứng đầu Dự án OPTOCE cho biết: “Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, việc đồng xử lý chất thải nhựa không thể tái chế làm chất thay thế nhiên liệu trong các lò nung xi măng không làm tăng phát thải dioxin trong khi vẫn tuân thủ các giá trị giới hạn quốc tế nghiêm ngặt nhất. Việc trình diễn thành công phương thức này tại nhà máy INSEE Việt Nam gửi đi một thông điệp hy vọng về tương lai của ngành xi măng Việt Nam. Đồng xử lý trong lò nung xi măng có thể cải thiện việc quản lý chất thải nhựa không thể tái chế ở Việt Nam”. 

Đồng xử lý không phải là một khái niệm mới nhưng ở Việt Nam nó đang ở giai đoạn sơ khai. Ảnh: Đại sứ quán Na Uy

Mặc dù đồng xử lý đang được áp dụng rất phổ biến ở Châu Âu và Na Uy, nhưng giải pháp này còn chưa được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, chỉ có một số ít các nhà máy xi măng hiện đang thực hiện đồng xử lý chất thải.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Đức Long, VNCA, cho biết: “Việt Nam có 82 lò nung clanhke đang hoạt động, mỗi năm tiêu thụ trên 10 triệu tấn than antraxit. Hiện nay tỉ lệ sử dụng nhiên liệu thay thế trong toàn ngành rất thấp. Chính phủ Việt Nam có chủ trương tăng lượng sử dụng nhiên liệu thay thế lên mức 15% từ nay đến 2030 và 30% sau năm 2030. Như vậy, tiềm năng đồng xử lý chất thải, trong đó có nhựa không tái chế được, trong lò nung xi măng ở Việt Nam là rất lớn”. 

Ông Bruno Fux, Giám đốc Ecocycle & Sustainability của công ty INSEE Ecocycle chia sẻ: “Đồng xử lý không phải là một khái niệm mới nhưng ở Việt Nam nó đang ở giai đoạn sơ khai. Đây là cơ hội lớn cho ngành công nghiệp xi măng để trở thành một nhà cung cấp giải pháp quan trọng cho các chất thải không thể tái chế trong một cơ sở hạ tầng quản lý chất thải chưa phát triển”.

Hội thảo thực sự là diễn đàn hữu ích để các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ bộ, ngành và địa phương, các công ty xi măng, các công ty có nguồn chất thải nhựa không thể tái chế và các tổ chức phi chính phủ chia sẻ thông tin về tiềm năng, thuận lợi và khó khăn khi áp dụng đồng xử lý chất thải tại Việt Nam.

Thông qua hội thảo, các đại biểu mong muốn chính phủ Việt Nam sớm có được hành lang pháp lý đầy đủ và thuận lợi để ngành công nghiệp xi măng có thể thực sự trở thành một đối tác quan trọng góp phần tăng cường quản lý tổng hợp chất thải rắn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn