MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tảng đá khắc chữ rune được các nhà khảo cổ Na Uy phát hiện. Ảnh: Global Look Pres

Na Uy có phát hiện khảo cổ độc đáo từ thời Chúa Jesus

Song Minh LDO | 19/01/2023 07:18
Các nhà khảo cổ Na Uy đã tìm thấy tảng đá khắc chữ rune cổ được cho là có có từ thời Chúa Jesus.

Một nhóm các nhà khảo cổ học Na Uy đã tìm thấy thứ mà họ gọi là tảng đá khắc chữ rune lâu đời nhất được biết đến cho đến nay. Tảng đá nhỏ màu nâu được khắc những dòng chữ bí ẩn được cho là có niên đại từ thời Chúa Jesus khoảng 2.000 năm tuổi.

“Những bản khắc có niên đại lên tới 2.000 năm tuổi có từ thời kỳ cổ xưa nhất trong lịch sử bí ẩn của chữ viết rune” - Bảo tàng Lịch sử Văn hóa ở Oslo cho biết trong một thông cáo báo chí.

Tảng đá sa thạch nhỏ đã được tìm thấy khi nhóm nghiên cứu khai quật khu mộ cổ gần hồ Tyrifjorden, ngay phía tây bắc thủ đô Oslo của Na Uy, vào cuối năm 2021. Theo Bảo tàng Oslo, các chữ rune khắc trên đá là “cổ nhất”.

Rune được xem là những cổ tự trong bảng chữ cái cổ của người Bắc Âu Cổ, ngôn ngữ mẹ đẻ của tất cả các ngôn ngữ Bắc Âu được sử dụng ngày nay. Đây là loại chữ chỉ sử dụng nét thẳng. Nó có 24 ký tự (như bảng chữ cái Anh hiện đại nhưng không có w, j, x, k, u). Đến thế kỷ X, bảng giảm xuống còn 16 ký tự.

Tảng đá có một số loại hình khắc nhưng không phải tất cả đều có ý nghĩa ngôn ngữ. Bảo tàng cho hay, một số chữ rune nổi bật rõ ràng giữa các dòng chữ khác, tạo thành từ “idiberug”. Nhưng các nhà khoa học cho đến nay vẫn chưa xác nhận được ý nghĩa chính xác của nó, họ tin rằng nó có thể là viết tắt của tên "Idibergu" hoặc họ "Idiberung".

Xác định niên đại bằng carbon của xương và gỗ được phát hiện trong khu chôn cất gần đá rune cho thấy nó được khắc từ năm 1 đến năm 250 sau Công nguyên, khi Đế chế La Mã cổ đại đang trỗi dậy và Cơ đốc giáo đang có những bước đầu tiên. Theo một số phương tiện truyền thông, tảng đá này cũng có niên đại hàng thế kỷ so với tất cả những tảng đá rune khác được phát hiện trước đây.

“Phát hiện này sẽ cung cấp cho chúng ta rất nhiều kiến thức về việc sử dụng chữ rune trong thời kỳ đồ sắt sơ khai. Đây có thể là một trong những nỗ lực đầu tiên sử dụng chữ rune trên đá ở Na Uy và Scandinavia” - Kristel Zilmer, giáo sư tại Đại học Oslo, nói với AP. Bà cũng gọi khám phá này là “điều giật gân nhất" mà bà, với tư cách là một học giả, có được.

Bảng chữ cái Rune đã được các sắc tộc German, bao gồm cả người Scandinavia, sử dụng trước khi họ dùng bảng chữ cái Latinh. Một số hình thức chữ rune vẫn được sử dụng ở Scandinavia trong suốt thời Trung cổ và tỉnh Dalarna của Thụy Điển đã giữ hình thức viết này cho đến thế kỷ 20.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn